Đến xóm Vai, hỏi thăm vào nhà anh Hùng, bà con chỉ đường tận tình. Ai cũng nở nụ cười đầy hàm ý khi nhắc tới anh “Hùng dế”. Có bà lão người Mường còn níu chân khách lạ lại, để nói về chàng thành niên nghĩ ngược ở đất này: “Từ ngày nó đưa đàn dế về nuôi, cả cái xóm này nghe dàn đồng ca rỉ rả của đám dế đó suốt ngày đêm. Nghe lâu thành...nghiện đấy chú à”.
Anh Hùng đã mạnh dạn bỏ nghề sửa xe máy, chuyển sang nuôi dế. |
Quả như lời bà lão người Mường nói, chúng tôi vừa đến cổng nhà anh Hùng đã nghe tiếng kêu rỉ rả của đám dế. Tiếng kêu rền đều như không có hồi kết của đám dế khiến cái vẻ tĩnh mịnh vốn có của miền sơn cước bị khuấy động.
Anh Hùng – chàng thanh niên đất Mường đang tất bật với đám côn trùng này. Anh vừa cho ăn, vừa lắng tai nghe tiếng kêu của đám dế. “Tiếng kêu ròn, đều đều, chứng tỏ đám dế rất khỏe. Con dế cũng như con người vậy, cái “khẩu khí” nói lên sức khỏe của thân chủ”, anh Hùng nói về đám dế tựa như một nhà nghiên cứu sinh học.
Thức ăn của dế gồm có cỏ non và các loại rau. Ngoài ra có thể cho dế ăn thêm cám gà. |
Sau 1 năm nuôi dế, anh Hùng cũng đã tích cực tìm hiểu về loài côn trùng đang được nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi. Tháng 9.2016, anh Hùng bỏ nghề sửa xe máy, gom góp được 40 triệu đồng để mua giống và làm chuồng nuôi dế. Cái quyết định này của anh nhiều người cho là “hâm, dở”. Trong khi cả xứ Mường đang “sốt” lên vì cam, vì quýt, ai đời anh lại đi chọn cái nghề chẳng giống ai.
Trước khi nuôi, anh Hùng cũng đã cất công đi thăm nhiều trang trại nuôi dế để học hỏi kinh nghiệm, ngoài ra anh còn tìm tòi, học hỏi trên báo mạng, tài liệu trên Internet. Sau khi tổng hợp các kiến thức đã học được, anh cho rằng, con dế có thể đưa về nuôi trên đất Mường được. Anh đóng 15 chuồng được làm bằng gỗ. Anh cất công về trang trại côn trùng Thành Tâm (Thường Tín - Hà Nội) mua giống.
Anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư tiền làm 15 chuồng để nuôi dế. Ảnh: Thu Thủy. |
Anh Hùng chia sẻ, dễ là loài dễ nuôi, chỉ cần sự cần cù, tỉ mỉ và yêu thích chúng. Chúng thuộc diện ăn tạp, thức ăn rất dễ kiếm và có quanh nhà như các loại rau lang, rau muống, cỏ non...Ngoài ra chúng cũng có thể ăn cám gà. Muốn chúng phát triển tốt, cứ 5-7 ngày vệ sinh chuồng trại 1 lần. Nhiệt độ chuồng khoảng 25 – 30 độ C là dế phát triển tốt nhất.
Nuôi dế nhàn hạ, đầu tư ít, chúng lại sinh trưởng nhanh. Theo anh Hùng, dế đẻ trứng sau 9 ngày thì nở. Chỉ mất 35 ngày nuôi đã bán được. Tuy nhiên, sự sinh trưởng và phát triển của dế phụ thuộc vào thời tiết. Thời điểm dế sinh trưởng và phát triển tốt ở đất Mường quê anh là từ cuối tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.
Nuôi dế đầu tư ít, nhanh thu hồi vốn. |
Nuôi dế cũng dễ bán và dễ tiêu thụ. Từ 15 chuồng nuôi dế, mỗi tháng anh Hùng xuất bán được cả 100kg dế thương phẩm với giá từ 200-300.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi ngày trừ mọi khoản chi phí, anh Hùng thu được cả triệu đồng. “Dế thương phẩm tôi bán cho Công ty Thành Tâm. Ngoài ra còn bán cho các nhà hàng. Sau mỗi chuyến, các nhà hàng lại đặt nhiều hơn. Với thị trường tiêu thụ tốt như hiện nay, năm nay tôi sẽ mở thêm 10 chuồng nuôi dế nữa”, anh Hùng cho biết.