Cổ phiếu HPG đón nhận tin tiêu cực khi khối ngoại xả ròng mạnh gần 8 triệu cổ phiếu chỉ tính đến 10h30ph. Thị giá HPG cũng bị ép xuống giá gần sàn, có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch tại giá sàn. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 30 triệu đơn vị.
Cổ phiếu đầu ngành thép đã giảm 15% từ đầu tháng 10 xuống mức 18.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong gần 23 tháng kể từ ngày 17/11/2020.
Nếu so với đỉnh, thị giá HPG thậm chí còn “bốc hơi” đến gần 60% tương ứng vốn hóa bị thổi bay hơn 150.000 tỷ đồng (~6,4 tỷ USD), còn chưa đến 105.000 tỷ đồng và bị rớt khỏi top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Lượng giao dịch cổ phiếu HPG đột biến. |
Một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu HPG từ đầu tháng 10 là động thái quay đầu bán ròng của khối ngoại. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi bán ròng HPG lên 6 phiên liên tiếp. Chỉ riêng 4 phiên giao dịch đầu tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại trên cổ phiếu này đã lên đến gần 700 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 5.800 tỷ đồng cổ phiếu HPG, lớn nhất sàn chứng khoán. Trước đó, HPG cũng là cái tên bị bán ròng mạnh nhất thị trường năm 2021 với giá trị lên đến 18.900 tỷ đồng.
Áp lực từ sự leo thang của đồng USD không chỉ tác động đến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát.
Ngoài ra, lãi suất có xu hướng tăng nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá cũng có ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp vay nợ nhiều như Hòa Phát, đặc biệt trong bối cảnh dự án Dung Quất 2 bước vào giai đoạn đầu tư cần nguồn vốn khổng lồ.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến HPG liên tục bị bán mạnh có thể đến từ việc các yếu tố cơ bản đã không còn ủng hộ Hòa Phát như giai đoạn trước đó. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào quý 3/2021 - giai đoạn giá thép cũng liên tục leo thang lên cao chưa từng có, lợi nhuận của Hòa Phát đã bắt đầu chững lại và đi xuống.
Một yếu tố then chốt khiến HPG lao dốc mạnh là quý 3 doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long lỗ kỷ lục đến 1.800 tỷ đồng.