Tiếp tục phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong giai đoạn 2 của vụ án tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (viết tắt là Ngân hàng Đại Tín), chiều 19/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo về hành vi chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Đáng chú ý, Đại diện VKS đánh giá, trong vụ án này hội đồng xét xử đã triệu tập bà Hứa Thị Phấn hợp lệ nhưng bị cáo này vẫn vắng mặt. Suốt quá trình điều tra sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra cũng không thể tiến hành hỏi cung bà Phấn vì bị cáo luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, hỏi không trả lời.
“Ngày 25/8/2018, Cơ quan Điều tra Bộ Công an lập biên bản xác minh tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng, quận 7 là nơi bị cáo Phấn đang nằm điều trị. Kết quả thăm khám vào ngày này, bác sĩ nhận định bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cố tình không tiếp xúc với bác sĩ điều trị và với các chỉ số thăm khám thì sức khỏe bệnh nhân vẫn bình thường, da dẻ hồng hào, cho thấy Hứa Thị Phấn bất hợp tác, cố tình né tránh pháp luật”, VKS nêu rõ.
Bị cáo Hứa Thị Phấn tại phiên tòa trước đó. Ảnh: NLĐ. |
Dư luận đặt câu hỏi, việc Hứa Thị Phấn sức khỏe bình thường nhưng lại không cho bác sĩ khám có phải là chiêu trò nhằm né tránh pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện bà Hứa Thị Phấn đang là bị cáo trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm của ngân hàng Đại Tín. Trong quá trình từ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố và quyết định đưa ra xét xử, bị cáo Hứa Thị Phấn luôn có các quyền lợi của mình theo quy định của BLTTHS.
Một trong những quyền lợi của bị cáo Phấn được pháp luật thừa nhận là “…không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015).
Hơn nữa, một trong những nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng hình sự là “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.” (Điều 15 BLTTHS năm 2015).
Do đó, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc chứng minh bà Hứa Thị Phấn có phạm tội hay không thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và bà Phấn có quyền không phải khai nhưng điều bất lợi cho mình.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, để xác định bà Phấn có hay không việc lấy lý do sức khỏe để bất hợp tác cố tình né tránh pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác minh tình hình sức khỏe của bà Phấn theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có quyền tiến hành trưng cầu giám định tình hình sức khỏe của bà Phấn theo quy định tại Luật giám định tư pháp và TTHS.
Trường hợp sức khỏe của bà Phấn bình thường nhưng liên tục bất hợp tác, vắng mặt với lý do không chính đáng thì theo quy định tại điểm a) khoản 3 Điều 61 thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tiến hành áp giải bị cáo Phấn đến phiên tòa xét xử bình thường.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Nói về việc nếu bị cáo Hứa Thị Phấn dùng “chiêu trò” sức khỏe, bất hợp tác cố tình né tránh pháp luật của bà Hứa Thị Phấn có phải là tình tiết tăng nặng hay không?, Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo quy định của Bộ Luật hình sự, chỉ có những tình tiết quy định tại Điều 52 BLHS mới được coi là tình tiết tăng nặng.
Đối với hành vi bất hợp tác của bà Phấn không thuộc trường hợp nào quy định là tình tiết tăng nặng tại Điều 52. Tuy nhiên, với hành vi của bà Phấn thì có thể sẽ không được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s); tích cực hợp tác với cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án (điểm t)…
Đề nghị 20 năm tù với Hứa Thị Phấn
Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo về hành vi chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Theo đó, bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín - Trustbank, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) bị đề nghị mức án 20 năm tù.
Bùi Thị Kim Loan (sinh năm 1978, Kế toán Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn) bị đề nghị mức án từ 7 đến 8 năm tù.
Bốn bị cáo Lâm Kim Dũng (sinh năm 1955, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (sinh năm 1983, nguyên Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (sinh năm 1978, nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín) bị đề nghị mức án từ 2 đến 7 năm tù, cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đại diện VKS cho biết, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn của ngân hàng, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Phấn chỉ đạo Bùi Văn Lắm (Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn Ngân hàng Đại Tín), chỉ đạo Nguyễn Kim Thanh (Phó trưởng Phòng Đầu tư kiêm thành viên Hội đồng đầu tư Ngân hàng Đại Tín) làm các thủ tục để Ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư gồm Cty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ.
Tuy nhiên, số tiền này Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán trả lại cho Ngân hàng Đại Tín. Thiệt hại thực tế cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 901 tỷ đồng.
Đến nay, cả 3 dự án còn lại đều không được triển khai, đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện dự án.
Ngoài hành vi trên, Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản: số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1; số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3; số 409 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10 (đều ở thành phố Hồ Chí Minh) và số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Sau đó, Hứa Thị Phấn chỉ đạo Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 4 bất động sản này với lý do là mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản, với tổng giá trị trên 661 tỷ đồng; trong khi Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Cáo trạng xác định, trong hành vi này Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt hơn 437 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc Hứa Thị Phấn nộp lại cho Ngân hàng Đại Tín số tiền chiếm đoạt là hơn 1.338 tỷ đồng.
Xem thêm video Hứa Thị Phấn lĩnh án 30 năm tù, bồi thường 16.700 tỷ đồng:
Nguồn: VTC1