Siết chặt xe quá tải
Tại buổi làm việc với PV Kiến Thức, lãnh đạo Cục Quản Lý Đường Bộ II (Cục QLĐB II) thừa nhận, do ưu tiên kiểm soát xe quá tải đổ về đại công trường cảng Vũng Áng nên vị trí đặt trạm cân hiện tại có những điểm rất bất cập, không kiểm soát đồng thời được xe quá tải lưu thông trên QL1A và QL12A.
Để giải quyết tình trạng này, Cục QLĐB II đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình dời vị trí trạm cân đến vị trí trên mới trong đoạn từ Km612 đến Km613+500 tức là vị trí phía bắc ngã ba Ba Đồn.
“Đây được xem là một giải pháp kiểm soát tối đa nhất lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đặc biệt là xe quá tải, trong khi đó nếu đặt trạm cân trên QL12A thì QL1A không kiểm soát được nhưng nếu đặt trạm cân tại vị trí hiện tại trên QL1A tại Km624+300 tức là vị trí phía nam ngã ba Ba Đồn thì lại không kiểm soát được QL12A, chưa nói đến việc di chuyển thay đổi trạm cân liên tục củng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cân. Hiện, trạm cân đang phải tạm ngưng hoạt động để sửa chữa khắc phục do một số thiết bị bị trục trặc kỷ thuật”, lãnh đạo Cục này phân tích.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, trong khi tìm vị trí lắp đặt trạm cân cho hợp lý thì các lực lượng chức năng bao gồm CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT) đã vào cuộc rất quyết liệt, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để kiểm soát xe quá tải.
Trong tháng 8/2014 Phòng CSGT tỉnh Quảng Bình đã bố trí lực lượng phối hợp với TTGT thực hiện cân tải trọng 24/24h liên tục trong tuần, thực hiện việc giao đổi ca tại chỗ, sử dụng cân xách tay để không tạo ra kẻ hở để cho các đối tượng xấu lợi dụng.
Lãnh đạo Cục QLĐB II cũng nhấn mạnh rằng, việc để kiểm soát xe quá tải thì không phải chỉ các cơ quan chức năng quyết liệt là đủ, mà ý thức của các doanh nghiệp quyết định gần như hoàn.
Xe quá tải hoành hành trên QL1A. Ảnh: Mai Xuân Hữu. |
Phá đường đâu chỉ mình xe quá tải
Để tuyên truyền vấn đề trọng yếu này, mới đây, Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ trì cuộc họp để bàn đối thoại với các doanh nghiệp (DN) vận tải để thực hiện tốt vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vấn nạn xe quá tải.
Tại buổi họp các DN cũng thẳng thắn thừa nhận việc chở đúng tải là một điều rất khó khăn trong thời điểm hiện nay chưa nói đến việc một số DN có nguy cơ phá sản do chi phí cho việc vận chuyển đúng tải quá cao trong khi giá cước vận tải vẫn giữ nguyên.
Việc quản lý xe quá tải là nhằm mục đích đảm bảo độ kết cấu, độ bền của các công trình giao thông, tuy nhiên để đảm bảo tuổi thọ của các công trình không phải chỉ quản lý xe quá tải mà cả các nhà thầu, đơn vị thi công các công trình cũng phải đảm bảo chất lượng không chạy đua theo tiến độ.
“Nếu nói về xe quá tải làm hư hại các công trình giao thông đôi khi chỉ là phiến diện bởi xe quá tải hầu như xuất hiện ở mọi cung đường, từ xe nhỏ đến xe lớn, đến xe siêu tải. Nhưng ở một số tuyến việc thi công được đảm bảo tối đa về chất lượng nên việc xuống cấp các công trình giao thông do vấn đề xe quá tải gần như không có, đơn cử như QL12 đoạn từ ngã ba Khe Ve đến cửa khẩu Lao Bảo hoặc đường 9 lên cửa khẩu Cha Lo, ở đây lượng xe siêu tải qua lại rất nhiều, đặc biệt những xe đầu kéo chở gổ, đá từ biên giới. Có đơn vị nhà thầu như Tập Đoàn Sơn Hải đang thi công QL1A tại Quảng Bình giám đưa ra mức bảo hành cho công trình là 5 năm, trong khi đó các đơn vị nhà thầu khác chỉ bảo hành đủ 2 năm theo như Bộ Giao Thông Vận Tải yêu cầu”, đại diện 1 DN nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên một số chủ DN rất trăn trở với quy định xử phạt xe quá tải bởi chở đúng tải thì càng chạy càng lỗ. Hiện nay các DN mong có thêm thời gian và lộ trình để chuyển đổi đặc biệt là một số doanh nghiệp đã thực hiện hợp đồng vận tải giờ như đứng ở ngã ba đường “đường nào cũng chết”.
Tuy nhiên trong việc chấp hành việc trọng tải xe củng có những đơn vị vận tải ngang nhiên chở vật liệu quá cao so với chiều cao quy định, cơi nới thùng bệ so với thiết kế ban đầu thì những đối tượng như vậy cần đặc biệt xử lý nghiêm.
Về việc lộ trình có một số ý kiến cho rằng nên áp dụng xử phạt xe quá tải không nên theo kiểu “thắt nút” như hiện nay mà cần phải hạn chế dần mức tải và đi đến cấm hẳn, ví dụ như theo lộ trình 3 tháng hoặc 6 tháng chúng ta hạn chế xe quá tải từ 50% tiếp theo giảm xuống 30% và 10% đến cấm hẳn.