Vừa trở về từ Nam Mỹ và chuẩn bị phát hành tập 2 của “Xách ba lô lên và đi” với tựa đề “Đừng chết ở châu Phi”, tác giả trẻ Huyền Chíp bất ngờ nhận phải những hoài nghi của một bộ phận độc giả, cư dân mạng.
Huyền Chíp và cuốn sách nổi tiếng "Xách ba lô lên và đi" |
Cuốn “Xách ba lô lên và đi” rất nổi tiếng thời gian qua trong cộng đồng giới trẻ. Với nội dung như một cuốn nhật kí “phượt”, lời tự sự của một Huyền Chíp trong chuyến đi phượt một mình qua 25 quốc gia, bắt đầu chỉ với 700 USD. Một bộ phận người đã từng đọc cuốn sách của Huyền Chíp nay dấy lên những nghi ngờ về nội dung của cuốn sách, cho rằng chúng kém thực tế và có nhiều điểm vô lý.
Trên một diễn đàn lớn bậc nhất tại Việt Nam, từ nhiều ngày nay các thành viên đã bàn tán về chủ đề này. Không ít thành viên đã tìm và nêu ra các bằng chứng, những điểm vô lý trong nội dung cuốn sách của Huyền Chíp. Các vấn đề như xin visa, chứng minh tài chính (CMTC), các công việc làm thêm và thu nhập từ chúng mà Huyền Chíp kể trong cuốn sách đều được dân mạng đem ra mổ xẻ, phân tích.
Những thắc mắc về vấn đề xin visa, chứng minh tài chính ngoài thực tế được lấy để so sánh với câu chuyện của Huyền Chíp |
Về chuyện xin visa, một thành viên có tên Chris Còi nêu quan điểm: “Người Việt Nam đi đâu ra ngoài ASEAN đều phải có visa hết. Và theo kinh nghiệm của mình và một vài người bạn từng đi du lịch xa, người Việt Nam không dễ xin visa ở nước ngoài. Cá biệt ở một số nước thời gian xin visa kéo dài đến hàng tuần, thậm chí cả tháng. Trong sách của Huyền mình thấy việc xin visa tương đối dễ dàng và có nhiều... điều may mắn tình cờ nhưng cũng rất cố ý”.
Vấn đề CMTC cũng được bạn đọc thắc mắc, nickname Ceibga khẳng định: “CMTC là một việc đến bất kì nước cũng cần đến. CMTC để đảm bảo rằng bạn có tiền và sang nước họ là để du lịch, không phải để kiếm tiền. Nhiều nước còn đòi chứng minh thu nhập ổn định... Số tiền CMTV nhiều ít tùy nước nhưng không dưới 5000$ (100 triệu). Vậy cho mình hỏi, với 700$ ban đầu, Huyền Chíp CMTC như thế nào? Hay là 700$ chỉ là tiền dắt túi thôi, còn trong thẻ có vài nghìn?”.
Ngoài ra, dân mạng còn đem hình ảnh chụp lại visa của Huyền Chíp để phân tích. Bức ảnh chụp lại một con dấu thể hiện việc đã đi qua một nước, nhưng lại khiến nhiều người thắc mắc tại sao Huyền Chíp không chụp lại cả 25 con dấu tại 25 quốc gia mà cô đã đi qua.
Hình ảnh một con dấu trên visa của Huyền Chíp được dân mạng lấy để phân tích |
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến xuất, nhập cảnh, câu chuyện về những công việc ở nước ngoài mà Huyền Chíp kể lại cũng bị một số bạn đọc, cư dân mạng cho rằng bất hợp lý. Về câu chuyện làm nghề chia bài một sòng bạc lớn nhất Tanzania, bạn đọc cũng tỏ ra khó hiểu về thời gian làm việc và thu nhập của Huyền Chíp. Nickname Fukuzen#2 phân tích một đoạn viết: “Đọc thử một chút nhé. Làm một tuần ba buổi, mỗi buổi 3 tiếng, vị chi ra một tháng Huyền làm 36 giờ, ăn uống trong tháng hết tầm 150$. Ở nhà và đi lại xem như miễn phí đi. Vậy sẽ kiếm được $350 cho 36 giờ làm việc chui, tức là gần $10 mà không có kinh nghiệm. Điều này cả ở cá nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc đều không tưởng chứ nói gì đến Tanzaina, một nước có GDP còn thấp hơn Việt Nam”.
Ý kiến cho rằng Huyền Chíp đã gặp được nhiều sự may mắn đến mức vô lý trong suốt cuộc hành trình của mình |
Nickname Orildine lại bày tỏ: “Ở các casino lớn, người ta chỉ nhận người được đào tạo. Thậm chí có nhiều nơi đào tạo nhân viên, người chia bài từ khi còn nhỏ cơ. Chuyện một sòng bạc lớn nhất quốc gia Tanzania nhận một cô gái châu Á hoàn toàn không có kinh nghiệm, không có ngoại hình đẹp vào làm việc và trả lương hậu hĩnh là điều rất vô lý”.
Về phía Huyền Chíp, trước làn sóng thắc mắc, nghi ngờ của bạn đọc, cư dân mạng, Huyền Chíp tỏ ra khá kín tiếng. Tuy nhiên, trên trang “Xách ba lô lên và đi” có đến gần 80 nghìn người theo dõi, hôm qua có đăng một vài dòng đáng chú ý:
Bài đăng gây chú ý trên trang "Xách ba lo lên và đi" |
“Gửi mọi người. Sẽ sớm có thông báo chính thức với đầy đủ chứng cớ phản bác các nghi vấn không có cơ sở, thậm chí xuyên tạc. Cũng đã uỷ quyền cho một cơ quan pháp lý xử lý những kẻ có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân. Trân trọng”.
Bình luận bên dưới có rất nhiều người đã bày tỏ thái độ bất bình và cho rằng những thắc mắc của độc giả trước những điều họ chưa hiểu rõ về nội dung cuốn sách không có gì là sai.
Một thành viên diễn đàn VOZ mong muốn được thấy Huyền Chíp đưa ra được các bằng chứng xác thực những điều mà cô đã viết trong sách của mình. Thậm chí thành viên này còn hứa sẽ đến tận nhà để xin lỗi Huyền Chíp vì đã nghi ngờ, đặt điều cho cô |
Còn rất nhiều ý kiến, bình luận trái chiều khác xoay quanh những nghi ngờ, suy đoán của bạn đọc về nội dung của "Xách ba lô lên và đi" và câu chuyện của Huyền Chíp |
Mới nhất trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Huyền Chíp chia sẻ rằng cô cảm thấy không cần bực bội trước những thắc mắc, thậm chí là những phân tích có phần “vơ đũa cả nắm”. Huyền Chíp còn cho biết cô sẽ minh chứng cho những gì mình đã viết sẽ được đề cập trong tập 2 “Đừng chết ở châu Phi” của “Xách ba lô lên và đi”.
Điều này càng làm nảy sinh thêm hoài nghi, có phải Huyền Chíp đang muốn tăng sức hút cho tập 2 cuốn sách của mình với độc giả, hay nói trắng ra, liệu đây có phải là một chiêu PR?
Huyền Chíp tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990 đã tốt nghiệp khoa THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Cô được biết đến là người khởi xướng phong trào Free Hug trong năm 2007 và là gương mặt nổi bật trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam.