Ông cũng là một trong 11 vị chỉ huy quân sự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Quyết định phong tướng đợt đầu tiên; trong đó, cấp bậc hàm của ông đứng thứ hai, chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc dù tên tuổi chưa phải đã thật được biết đến rộng rãi và có tính "phổ cập" như một vài danh tướng người Việt khác (bởi lẽ đơn giản là ông hy sinh quá sớm), song nhắc đến ông, bất kỳ ai am tường lịch sử quân sự Việt Nam đều không giấu được sự yêu thương và lòng ngưỡng mộ. Cuộc đời ông là hình mẫu tiểu biểu của một vị Tướng tài đức vẹn toàn; sống anh dũng, chết vẻ vang.
Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951). |
Là vị Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam; ông cũng là người đầu tiên trong quân đội được tặng (truy tặng) Huân chương Quân công hạng Nhất. Ngoài các phần thưởng cao quý ấy, ông còn được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguồn gốc một biệt danh
Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30/7/1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Xã Giai Phạm cũng chính là quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Linh - người hiện được giới sử học vinh danh là "Tổng Bí thư của Đổi mới".
Ngẫm lại cuộc đời hai người con ưu tú của "đất nhãn", ta có thể thấy, giữa họ có những điểm lạ, rất tương đồng: Tuy cùng sinh ra trên mảnh đất thuần nông, lại ở vị trí "cửa ngõ Thủ đô", song cả hai đều sớm bôn ba phương xa và trong thời đoạn sung sức nhất của cuộc đời, họ đã khẳng định được bản lĩnh chính trị cũng như tài thao lược của mình, trở thành những vị "thủ lĩnh" rất được vị nể ở vùng đất phương Nam, điều tưởng chừng chỉ có thể có được ở những "Anh Hai Nam Bộ".
Không chỉ vậy, mặc dù tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, song do hoàn cảnh cụ thể, cả hai đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khá muộn. Với đồng chí Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1915), sau khi từ nhà tù Côn Đảo trở về, ông được cử đi xây dựng lại cơ sở Đảng ở Hải Phòng (vì Trung ương cho rằng ông là đảng viên từ năm 1930; kỳ thực ông mới có chân trong "Học sinh đoàn" do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên lãnh đạo thì bị địch bắt).
Năm 1937, tại Đại hội Đảng bộ Hải Phòng, Nguyễn Văn Linh được tín nhiệm bầu làm Bí thư, song ông "không dám nhận" quyết định này. Ông phải làm đơn báo cáo gửi lên Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy đã công nhận kết nạp Đảng cho ông để ông giữ cương vị…Bí thư Thành ủy.
Với Trung tướng Nguyễn Bình, mặc dù hoạt động cách mạng từ rất sớm và cũng bị địch đày ra Côn Đảo cùng thời gian với đồng chí Nguyễn Văn Linh, song khi ấy ông đang là thành viên Việt Nam Quốc dân đảng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.
Trong tù, ông cùng bậc đàn anh Trần Huy Liệu (từng tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, sau có thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và một số bạn tù chính trị của Quốc dân đảng được các tù cộng sản giác ngộ.
Mặc dù tham gia tích cực các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo và lập được những chiến công hiển hách, song - như đã nói ở trên - do hoàn cảnh lịch sử, phải một năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được Bác Hồ tin tưởng cử vào Nam lo việc chỉnh đốn phong trào kháng chiến và thống nhất các lực lượng vũ trang tại Nam Bộ, Nguyễn Bình mới chính thức trở thành đảng viên Cộng sản.
Sinh thời, tên tuổi Trung tướng Nguyễn Bình đặc biệt gắn với biệt danh "Tướng độc nhãn" (gọi nôm là "Tướng một mắt"). Sử gia người Pháp chuyên về Đông Dương P.Sênút đã có hẳn một cuốn sách lấy tên "Nguyễn Bình - ông tướng một mắt". Nhiều sử gia khác của Pháp thì ví Nguyễn Bình là "Lưu Bá Thừa của Việt Nam" (Lưu Bá Thừa là tướng "độc nhãn" của quân đội nhân dân Trung Hoa, rất nổi tiếng về tiến hành chiến tranh du kích).
Vậy từ đâu Tướng Nguyễn Bình có biệt danh trên?
Ngược chiều lịch sử, ta được biết: Trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo (từ năm 1930 đến 1935), Nguyễn Bình được tiếp xúc với các chiến sĩ Cộng sản (trong đó có những vị Cộng sản "gộc" như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt…) và ông dần nhận thức ra rằng "Cộng sản là phong trào quốc tế, còn Quốc dân đảng nằm trong phạm vi quốc gia".
Nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trong tư tưởng, nhận thức của những người như Nguyễn Bình, Trần Huy Liệu, Tưởng Dân Bảo…; nhóm tù Quốc dân đảng thủ cựu ở Côn Đảo đã có cách hành xử cực đoan với các ông.
Theo lời kể của tác giả Nguyễn Thế Tường, cháu ruột Tướng Nguyễn Bình (sách "Trung tướng Nguyễn Bình", NXB Quân đội nhân dân, 2001): "Do có sự phân hóa mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng dẫn đến các phe phái thanh trừng lẫn nhau. Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình), Trần Huy Liệu... đứng hàng đầu trong danh sách phải bị thanh trừng về tội phản đảng. Nhóm Quốc dân đảng cực đoan đã dùng dao cắt cổ Tưởng Dân Bảo và Trần Huy Liệu, may là được các bạn tù cứu thoát nên chỉ bị thương.
Còn Nguyễn Phương Thảo bị đâm hỏng một mắt trái". "Tuy mất một con mắt nhưng tôi lại thấy sáng hơn khi còn hai con mắt" - Câu bình luận ngỡ theo "tinh thần AQ" này của Nguyễn Bình kỳ thực chỉ có ý là: Nhờ cách hành xử tàn bạo của những người mang danh "đồng đội cũ", ông càng hiểu ra chân lý cuộc đời và càng vững tin vào sự chuyển hướng của mình; vững tin vào con đường mới mà mình lựa chọn.
Trận đánh kiểu mẫu
Cũng theo ông Nguyễn Thế Tường (sách đã dẫn), một lần, thấy đuối lý trong cuộc "luận chiến" với Trần Huy Liệu, những người tù Quốc dân đảng cực đoan đã dùng gậy xông vào quật chính trị gia kiêm nhà sử học. "Lập tức bóng đèn bị ném vỡ và một người lực lưỡng nhảy ra ôm anh Liệu đưa về phía sau. Người đó là Nguyễn Phương Thảo - một thanh niên cao to, khỏe mạnh và dũng cảm, thường lấy thân mình che chở cho anh em tù Cộng sản chống những đòn tiểu nhân của tù Quốc dân đảng xấu".
Chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi đủ cho ta thấy một Nguyễn Bình không chỉ dũng cảm, can trường mà còn đặc biệt lanh trí. Ở đây, tôi không muốn dùng những từ ngữ to tát kiểu như “mưu lược”, nhưng quả là với hành động ném vỡ bóng đèn, dùng bóng tối để bịt mắt đối tượng, giải cứu bạn tù đã cho thấy một cách xử trí rất thông minh của vị Trung tướng tương lai.
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, trận đánh chiếm Đồn Bần (Bần Yên Nhân - Hưng Yên) có lẽ là dấu mốc đầu tiên khẳng định tài chỉ huy quân sự của Tướng Bình. Tư liệu lịch sử cho biết: Đồn Bần nằm án ngữ trên đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng, có nhiệm vụ kiểm soát trục đường bộ từ Bần tới Phố Nối rẽ đi thủ phủ Hưng Yên.
Vào thời điểm ấy, Đồn được bố trí một trung đội lính khố xanh do viên sĩ quan người Pháp chỉ huy. Do biết viên Đồn trưởng có cậu con trai đang theo học một thầy giáo là chỗ quen biết với mình, Nguyễn Bình đã tìm cách “giác ngộ”, vận động ông thầy này, từ đó, xây dựng được một “cơ sở” (tên Việt) trong Đồn. Việt đã cung cấp cho phía ta nhiều thông tin quan trọng, đồng thời lôi kéo được một số lính khố xanh sẵn sàng làm “nội ứng” khi cần thiết.
Từ trái qua: các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính tại chiến khu Đ. |
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, “hất cẳng” Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Lính tráng trong Đồn, nhất là viên chỉ huy người Pháp rất hoang mang. Nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi nhất để tấn công cướp Đồn, tước vũ khí của địch, Nguyễn Bình đã lên kế hoạch đánh Đồn và báo cáo gấp với Xứ ủy. Kế hoạch được chấp thuận ngay tắp lự.
Sau khi họp bàn triển khai kế hoạch cụ thể với một số cán bộ cơ sở, đêm 12/3/1945, Nguyễn Bình cùng các cộng sự tập trung ở ngã ba Quán Chuột, cách đường số 5 chừng 200m. Đồng chí Nguyễn Khang, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ thay mặt Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ cho mọi người.
Đúng "giờ G", Nguyễn Bình cùng các ông Nguyễn Ngọc Vân, Trần Phong trong bộ quân phục cải trang sĩ quan Nhật, với mũ vải thả che gáy, lon gắn trên vai, băng đỏ đeo tay, chân xỏ giày da quấn ghệt dẫn đầu đội hình có trang bị súng ống đầy đủ nện gót rầm rập trên đường số 5, thẳng tiến về phía cổng Đồn.
Bộ dạng “tốp lính Nhật” thật oai vệ. Riêng Nguyễn Bình còn được trang bị thêm thanh kiếm dắt chéo hông, trông càng oách. Ông Lê Liêm, Xứ ủy viên phụ trách phong trào Hưng Yên ăn mặc sơvin lịch sự, tham gia đội hình với “vai” thông dịch viên tiếng Nhật.
Phải nói, việc cải trang tốp lính Nhật để đánh chiếm Đồn Bần trong bối cảnh bấy giờ là một ý tưởng giàu sáng tạo của Tướng Nguyễn Bình. Đơn giản là vị thế của quân đội Nhật khi ấy đủ uy hiếp mọi sự kháng cự, nhất là khi chỉ huy Đồn lại là viên sĩ quan người Pháp (công dân một quốc gia mà Thủ đô trước đó ít tháng còn bị quân đội Đức phát xít - đồng minh của Nhật - chiếm đóng).
Ấy là chưa kể sự phối hợp kịp thời, ăn ý của lực lượng nội ứng. Chính bởi vậy, khi tiếng pháo hiệu nổ cũng là lúc cổng Đồn Bần mở toang. Quân ta hô “Xung phong” rồi đồng loạt ào lên.
Cả trung đội địch hốt hoảng giơ tay xin hàng. Ta chiếm được Đồn Bần mà không tốn một viên đạn; trong khi số vũ khí thu về là 24 khẩu súng kèm 6 hòm đạn. Sau khi đạt các mục tiêu đề ra, lực lượng ta rút êm ngay trong đêm.
Nhận xét về trận đánh này, người dân Bần Yên Nhân lúc bấy giờ đã không tiếc lời khen Việt Minh có tài “xuất quỷ nhập thần, “vào đồn như đi chợ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khẳng định đây là “một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”. (Còn nữa)
Phạm Khải