U mê vì chữ hy sinh
Xin kể câu chuyện đau thương của những người bạn, người chị của tôi. Từ khi lấy chồng, nó đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn rời xa những tháng ngày son rỗi. Không còn giờ để cà phê tám chuyện, rủ đi spa hay mua sắm thì lúc nào cũng “tới giờ về nấu cơm” hay “cuối tuần chồng công tác, phải ở nhà coi con”.
Nếu có lúc nào họ chịu xả hơi một chút, thì chỉ cần chồng nhắn tin hay điện thoại một cái là cắm cổ chạy về ngay, dù ông chồng chỉ hỏi “em đang ở đâu”, chứ chẳng giục giã gì. Họ cũng dần giảm bớt công việc. Vừa hết giờ làm là nháo nhác xách giỏ ra về, dù đồng nghiệp có đang bò lăn ra hì hụi. Rồi đi học, đi công tác nước ngoài thì từ chối vì sợ xa nhà, không ai lo chồng, chăm con.
Hy sinh vì chồng con, đàn bà thật ngớ ngẩn? (Ảnh minh họa). |
Rồi đến khi họ có con, bụng xồ ra sau thai kỳ ậm ọe, tóc tai vấn ngược xuôi, cả ngày chẳng ngó đến cái gương. Mất ngủ triền miên vì con đau ốm, quấy khóc. Cho con bú thì phải ăn, phải tẩm bổ dù biết người có lên cân vù vù cũng đành chịu…
Tôi nhắc, thì nhận ngay lời dạy rằng “mẹ hiền, vợ đảm là phải vậy mày ơi. Cứ nhìn mà xem. Mẹ sinh con xong không cho bú, quẳng con cho bà vú, đi tập gym lấy lại vóc dáng, đảm bảo bị coi là thứ mẹ ích kỷ, thứ mẹ không biết hy sinh”!
Với các bà ấy, bữa cơm dù giá cả có leo thang, kinh tế có khủng hoảng, vẫn cứ phải đủ chất, có những món chồng thích, con khen. Chân lý của họ là chả có phụ nữ tuyệt vời nào lại gắp miếng ngon nhất tự bỏ vào bát mình! Thấy chồng con ngon miệng, là vui rồi.
Nhưng lần lượt đến những ngày đẹp trời, bà nọ khóc than, bà kia vật vã. Chồng họ ngoại tình, mà đau đớn hơn, có ông còn thành thực xin lỗi: “Anh biết em đảm đang, em hy sinh hết vì chồng con. Nhưng em ơi, lâu nay tình cảm tụi mình ngày càng tẻ nhạt. Anh cần một người có thể chia sẻ mọi chuyện, không chỉ những việc ở nhà, mà còn chuyện xã hội, chuyện tâm hồn. Cô ấy làm anh thấy mình lại hạnh phúc, lại thấy ý nghĩa cuộc sống…”.
Khỏi phải nói đến kết quả, đương nhiên các bà ấy trở thành kẻ trắng tay sau bao năm nhiệt tình, mê mải với quan điểm “hy sinh” đầy ngớ ngẩn và man rợ.
Thua kém trong công việc, lại đổ cớ tại “hy sinh”
Nghĩ thương các bà các cô lâm vào hoàn cảnh ấy, nhưng ngẫm lại thì thấy tất cả chỉ tại họ mà thôi. Cái thiếu sót lớn nhất là tại họ ngu ngơ tin vào phẩm hạnh “hy sinh” mà phe đàn ông thời phong kiến đã áp lên vai phụ nữ.
Cái lỗi thứ hai là nhiều người trong họ (xin nói rõ là tôi không vơ đũa tất cả), chọn hy sinh là vì nó dễ hơn “tự đấu tranh”.
Thử trung thực mà trả lời rằng: làm việc nhà, tuy lam lũ, nhưng có khó và đầy thách thức bằng chạy các dự án, giải quyết các sự cố trong công việc? Đi chợ, nấu cơm, giặt đồ rửa chén, tuy mệt nhưng có rủi ro bằng việc cạnh tranh với các em trẻ trung giỏi giang ở công sở? Học nấu món nọ thức kia có đòi hỏi vận động trí não như học các phần mềm, trau dổi ngoại ngữ…?
Họ chẳng qua dùng chữ "hy sinh vì chồng con" để bám víu, bao biện cho việc lười tự nâng cấp bản thân, lười mở mang kiến thức, và lười phấn đấu trong công việc. Và còn để che dấu cho cả cái tư tưởng sở hữu “ông chồng đã là của mình, lại ràng buộc con cái đùm đề, thêm nữa mình đã tất bật chịu thương chịu khó thế này, sao mà ông ấy dám bội bạc”.
Ngẫm kĩ các bài học trên, tôi tự rút ra là hãy cứ yêu thương, trân trọng, nhưng chớ có ngu ngốc với tư tưởng vì chồng con mà hy sinh sự nghiệp. Và cũng đừng có vì bản thân không còn đủ tính cạnh tranh, tụt dốc về sự hấp dẫn mà bám vào cái phao “tôi đang hy sinh vì chồng con”.