Quy định nói trên của Bộ Thương mại có hiệu lực thi hành ngay lập tức và cơ chế tăng tốc xuất khẩu sẽ được áp dụng tới ngày 31/7. Theo đó, hạn ngạch xuất khẩu CPO có thể vượt 1 triệu tấn.
Indonesia - quốc gia sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới - đã nối lại các hoạt động xuất khẩu mặt hàng này từ ngày 23/5 sau lệnh cấm kéo dài 3 tuần nhằm tăng nguồn cung dầu ăn trong nước và duy trì giá bán. Tuy nhiên, các lô hàng xuất khẩu đã bị chậm trễ trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều trở ngại do các yêu cầu mới được thiết kế nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.
|
Người dân thu hoạch hạt dầu cọ tại Pelalawan, tỉnh Riau trên đảo Sumatra, Indonesia. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN |
Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã đạt trung bình 2,5-3 triệu tấn mỗi tháng trước lệnh cấm, trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật toàn cầu không ổn định.
Mới đây, chính phủ Indonesia cũng đã cắt giảm thuế xuất khẩu cố định và trần thuế suất xuất khẩu đối với CPO, từ mức 575 USD mỗi tấn xuống còn 488 USD mỗi tấn nhằm khuyến khích xuất khẩu.
Theo quy đinh mới, các công ty tham gia chương trình tăng tốc xuất khẩu dầu cọ sẽ phải cung cấp thông tin về kho dự trữ, cũng như các dữ liệu khác cho nền tảng giao dịch trực tuyến của Bộ Thương mại.
Sau lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ được dỡ bỏ, chính phủ Indonesia đã áp đặt quy định bán hàng trong nước, theo đó các nhà xuất khẩu dầu cọ chỉ được cấp hạn ngạch xuất khẩu sau khi bán một số sản phẩm tại thị trường nội địa.