Hòa đàm bị gián đoạn
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, hôm 3/2 thông báo, các cuộc đàm phán ở Geneva, Thụy Sĩ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria sẽ tạm hoãn tới ngày 25/2. Phát biểu trước báo giới, ông Mistura cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm với các bên liên quan sau tuần đầu tiên của các cuộc đàm phán trù bị.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura trong cuộc họp với lực lượng đối lập Syria ở Geneva, Thụy Sĩ. |
Trước đó, ông Staffan de Mistura đã có cuộc hội đàm với thủ lĩnh lực lượng đối lập chính ở Syria, cựu Thủ tướng Syria Riad Hijab ở Geneva. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh hòa đàm cho Syria vấp phải khó khăn và có nguy cơ đổ vỡ do bất đồng giữa hai bên Syria tham gia đàm phán.
Ngay sau thông báo, cả phe Chính phủ và phe đối lập Syria đều không ngừng đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thất bại của tiến trình hòa đàm. Theo Chính phủ Syria, phe đối lập ngay từ đầu đã tìm cách gây cản trở cho các cuộc thảo luận, cũng như cho thấy “sự không nghiêm túc” trong thực hiện những nỗ lực thúc đẩy hòa bình đất nước.
Trong khi đó, Pháp và Mỹ lên án mạnh mẽ tình trạng xung đột tiếp diễn, đồng thời gắn nguyên nhân đổ vỡ của tiến trình đàm phán tại Geneva với tình hình thực địa.
Chính phủ Mỹ cáo buộc, các cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của không quân Nga là đi ngược lại với tiến trình hòa bình và là nguyên nhân chính dẫn tới sự đổ vỡ của các cuộc thảo luận tại Geneva.
Về phía lực lượng đối lập ở Syria, họ cho rằng, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã không thể đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) đòi lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad với sự yểm trợ của Nga và Iran ngừng các cuộc tấn công, phóng thích tù nhân và trao quyền tiếp cận nhân đạo với các khu vực bị bao vây, tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Iran can dự “sâu” vào tình hình Syria
Theo nhận định của trang National Interest, trong bối cảnh hiện nay, Iran là một trong những quốc gia có thể đóng góp vai trò lớn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa đàm về Syria ở Geneva. Tuy nhiên, với những diễn biến vừa qua, dường như điều này lại khiến Iran hài lòng hơn.
Cơ sở hạ tầng ở Syria bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. |
Tại sao lại như vậy? Trước khi Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria hồi tháng 9/2015, phe của Tổng thống Assad đứng ở vị trí “rất mong manh”. Quân đội Chính phủ Syria liên tục mất quyền kiểm soát ở nhiều khu vực, đặc biệt ở tỉnh ven biển Latakia – khu vực trọng yếu của chế độ Assad.
Tuy nhiên “gió đã đổi chiều” nhanh chóng sau khi các máy bay chiến đấu của Nga vào cuộc. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ đắc lực của các cố vấn thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như lực lượng dân quân người Shia từ Afghanistan và Pakistan.
Những yếu tố này đã giúp lực lượng của ông Assad nhanh chóng nắm được “thế thượng phong”, ngay cả khi đã cam kết sẽ có các bước đi thiết thực đóng góp cho hòa bình Syria.
Mặc dù vậy, đã có những quan ngại từ phía Iran, trước tiên đó là chi phí cho hoạt động quân sự của họ ở Syria là quá cao. Số lượng các sĩ quan của IRGC sau khi được triển khai gần tiền tuyến bị thiệt mạng cũng tăng với tốc độ chóng mặt.
Bản thân Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds - cánh vũ trang nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleimani được cho là đã bị thương và phải trở về Iran. Một số nguồn tin cho biết, kể từ tháng 10/2015, số lượng các chuyên gia quân sự của IRGC có mặt ở Syria đã giảm từ gần 2.000 người xuống còn khoảng 700 – 800 người.
Tuy nhiên, đây khó có thể được xem là “sự đầu hàng” của Iran, đặc biệt sau khi hồi cuối tháng 1 vừa qua, xuất hiện hình ảnh ông Soleimani hoàn toàn khỏe mạnh với cam kết rằng, sự can dự của Iran là không thay đổi bất chấp việc số lượng các sĩ quan của IRGC bị thiệt mạng không ngừng tăng.
Theo nhận định của giới phân tích, những động thái gần đây không phải là sự “thoái lui” của Tehran mà đơn giản chỉ là việc hiệu chỉnh lại chiến lược nhằm đến hai mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, đó là che đậy những toan tính và động thái của nước này trong bối cảnh quân Chính phủ Syria chuẩn bị cho một cuộc chiến quan trọng nhằm chiếm lại Aleppo. Thứ hai, nhằm trưng ra một bộ mặt ngoại giao đầy thân thiện trước thềm các cuộc đối thoại tại Geneva.
Iran có vai trò không thể phủ nhận đối với hòa bình Syria
Khi Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) và các nhóm đối lập khác ở Syria “miễn cưỡng” có mặt ở Geneva, Thụy Sĩ thì Tehran bất ngờ “ra đòn”. Quân đội Syria với sự yểm trợ của Iran và Nga đã thực hiện các cuộc tấn công “cấp tập” với quy mô đáng kể nhất vào Aleppo kể từ tháng 9/2015, chia cắt đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ cho các lực lượng đối lập.
Chặng đường tiến tới hòa bình cho Syria vẫn còn rất dài. |
Bất lực, đại diện các phe phái đối lập ở Syria chỉ biết “đứng nhìn” đối tác của mình trong đàm phán tiếp tục giành thêm những lợi thế to lớn trên thực địa mà không đoái hoài gì đến điều kiện tiên quyết của họ cho các cuộc đàm phán, đó là mở đường cho những nỗ lực tiếp cận nhân đạo ở Syria.
Với những diễn biến đàm phán hiện nay và tình hình thực địa tại Syria. Tehran dường như có cớ để tự tin rằng, họ đang có lợi trong tình hình Syria, khi mà những gì diễn ra đang hướng dư luận quốc tế nghiêng theo chiều hướng cho rằng, chính quyền Damascus là niềm hy vọng duy nhất trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo giới phân tích, bất kỳ hình thức phân vùng mềm nào cũng có khả năng tạo ra một nhà nước nhỏ, độc lập trong lãnh thổ Syria dưới sự chi phối của Iran (cùng với Nga). Sau đó, Tehran có thể rảnh tay tiếp tục hỗ trợ các tay súng Hezbollah ở Lebanon chống Israel thông qua việc mở một mặt trận mới dọc theo khu vực cao nguyên Golan.
Với những gì đang diễn ra, ông Assad hoàn toàn có thể giữ được vị trí hiện tại và sẽ là Tổng thống Syria thêm một nhiệm kỳ. Kể cả trong kịch bản xấu nhất khi sức ép của Mỹ và các đồng minh buộc Assad phải ra đi, Iran vẫn sẽ có một kế hoạch B.
National Interest cho rằng, IRGC về cơ bản đã thành công trong việc “tạo ra” quân đội Syria cũng như can thiệp sâu vào vấn đề an ninh nội bộ của Syria. Lực lượng này bị ảnh hưởng sâu sắc và thậm chí “sẵn sàng đáp ứng yêu cầu” của Tehran.
Khác với tình hình khá ảm đạm tại Syria hồi 6 tháng trước, mọi chuyện giờ đây đã thay đổi và Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei hiện lại nắm vai trò quyết định trong cuộc đàm phán hòa bình tại Syria.
Cả Tehran và Moscow sẽ tiếp tục “lái” các điều khoản về hòa bình Syria theo cách mà họ mong muốn trong khi không mấy để tâm đến kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria mà họ đã ký tại Vienna, Áo hồi tháng 11/2015.
Dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hy vọng, cuộc đàm phán tại Geneva sẽ đóng vai trò trung tâm trong tiến trình hòa bình tại Syria, ông sẽ buộc phải thừa nhận rằng “sân khấu chính trị” trong khu vực giờ đang nằm trong tay Iran.