Xem toàn bộ ảnh
Hình như bản năng của con người là thích đá bóng hay những thứ có hình dạng tương tự do vậy những trò chơi như thế được tìm thấy ở hầu hết những nền văn minh trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, môn bóng đá thực sự xuất phát từ Trung Quốc ở dạng sơ khai nhất, những đứa trẻ nhà quý tộc thường thích chơi đá chuyền những quả bóng tròn bằng vải. |
Ở châu Âu thời Trung Cổ, người ta thường chơi đá bằng đầu những người bị hành quyết như một trò vui, sau đó là đầu động vật rồi những bó vải vụn. Cho tới trước thế kỷ 19, những quả bóng đầu tiên ra đời làm từ bong bóng động vật bên trong nhồi tóc, lông vũ hoặc vải bấc. |
Năm 1836, kỹ sư người Mỹ Charles Goodyear phát minh ra cách lưu hóa cao su. Nhưng mãi đến năm 1855, Goodyear mới chế tạo được quả bóng đá làm bằng cao su lưu hóa, song vẫn chưa phải là là loại bóng có ruột bằng cao su bơm hơi như sau này. |
Năm 1862, Richard Lindon - một người làm nghề thuộc da ở Anh, mới chính là người đầu tiên chế tạo thành công quả bóng có cái ruột bằng cao su có thể bơm hơi vào bằng một cái van cũng do ông nghĩ ra. Phải chờ đến năm 1872, Hiệp hội Bóng đá Anh quốc (FA) mới ban hành quy định về quả bóng là "phải có hình cầu, đường kính từ 27 đến 28 inch (68 cm-70cm)". |
Các quả bóng được sản xuất công nghiệp đầu tiên là ở Anh vào những năm 1900. Nó gồm 18 dải da bò (đã thuộc) hình chữ nhật hẹp được khâu lại bằng chỉ tạo thành một khối cầu, bên trong là bong bóng cao su lưu hóa có thể bơm không khí vào. Tuy nhiên, loại bóng này buộc bằng dây khá loằng ngoằng và trọng lượng rất nặng. |
Quả bóng có kết cấu bằng các dải da dài dùng tại World Cup 1958. Các nhà sản xuất bổ sung thêm một lớp lót bằng vải cực bền để cố định hình dạng quả bóng, giúp hấp thu chấn động tốt hơn. Những quả bóng ban đầu chỉ có màu da xám tự nhiên, sau đó là màu trắng do thuộc da cho thật sạch màu. Rồi đến những quả bóng màu cam để thi đấu vào mùa đông mặt sân đầy tuyết để cầu thủ dễ quan sát bóng. |
Từ đầu những năm 1960, những quả bóng với vỏ bằng cao su tổng hợp để thay thế cho lớp vỏ bằng da vừa đắt tiền, vừa có độ dày không đồng đều đã xuất hiện, nhưng phải đến năm 1980 thì những quả bóng có lớp vỏ bằng chất liệu nhân tạo này mới hoàn toàn thay thế cho những trái bóng làm bằng da như trước kia. |
Tại World Cup 1970 ở Mexico, hãng sản xuất dụng cụ thể thao nổi tiếng của Đức là Adidas đã trình làng quả bóng Telstar với cấu trúc rất mới lạ, gồm 32 miếng da ghép lại: 12 miếng hình ngũ giác và 20 miếng hình lục giác. Cấu trúc mới này - được đặt tên là Buckminster, giúp phân bổ cân đối lực căng bề mặt của quả bóng nên bóng không bị biến dạng trong quá trình thi đấu. |
World Cup 1986, trái bóng Azteca là trái bóng có lớp vỏ bằng cao su tổng hợp đầu tiên được sử dụng tại World Cup và nó đã cho thấy tính ưu việt khi vừa chống thấm tốt lại hoạt động rất hiệu quả trên mặt sân khô. |
Trái bóng Etrvsco tại World Cup 1990 là trái bóng đầu tiên có lớp lót bằng xốp polyurethane đen và trái bóng Questra ở World Cup 1994 đã hoàn thiện lớp lót này giúp trái bóng không những chống thấm hiệu quả còn giúp cầu thủ tạo độ xoáy cao hơn cho trái bóng khi sút và điều khiển trái bóng dễ dàng hơn. Trái bóng Tricolore ở France 98 lại là đột phá về công nghệ in giúp trái bóng có lớp vỏ mỏng hơn mà vẫn chắc chắn điều này khiến trái bóng nhẹ hơn tạo điều kiện cho các cầu thủ phát huy các kỹ thuật cá nhân. |
Tại World Cup 2002, hãng Addidas lại cho trình lạng trái bóng Fevernova với lớp lót dày hơn tăng độ chính xác khi sút cho các cầu thủ. Teamgeist tại World Cup 2006 lần này lại tiếp tục là một cải tiến mới nữa của Addidas. Hãy quên đi dạng bóng Buckminster với những miếng ghép hình lục giác và ngũ giác. |
Quả bóng của World Cup 2014 có tên gọi Brazuca. Điểm nhấn của Brazuca là cấu trúc với 6 mặt đối xứng giúp các cầu thủ tăng khả năng giữ bóng và tạo sự cân bằng tuyệt đối. Trước khi ra mắt, Brazuca trải qua một quá trình thử nghiệm gắt gao trong vòng 2 năm 6 tháng với sự tham gia của 600 cầu thủ hàng đầu và 30 đội bóng đến từ 10 quốc gia trên thế giới. |
Tháng 11-2017, trái bóng chính thức của World Cup 2018 ra mắt với tên gọi Telstar 18. Bóng có 2 màu đen trắng chủ đạo, lấy cảm hứng từ trái Telstar đầu tiên của World Cup 1970. Telstar 18 được thiết kế bằng công nghệ hiện đại với chíp điện tử NFC giúp các trọng tài có thể tương tác với trái bóng thông qua các thiết bị thông minh. |