Công ty này được thành lập với mục đích đầu tư quần thể Công nghiệp – Đô thị lớn tại Hưng Yên. Trong đó Kinh Bắc góp 1.080 tỷ đồng để nắm giữ 60% vốn; CTCP KCN Sài Gòn Hải Phòng (do Kinh Bắc sở hữu 86,5% vốn) góp 180 tỷ đồng để sở hữu 10% cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên.
Về tình hình triển khai dự án trọng điểm trong năm 2021, dự án Tràng Cát do KBC sở hữu 100% là dự án trọng điểm, có diện tích 584,9 ha và đã đền bù giải phóng mặt bằng 582 ha.
Theo KBC, đây là đại đô thị lớn ở Hải phòng sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của Hải Phòng và đem lại lợi ích lớn cho cổ đông trong nhiều năm tới.
KBC cho rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ là một giai đoạn bùng nổ trong việc thu hút đầu tư từ các dòng vốn nước ngoài, vốn FDI. KBC đang quản lý hơn 5.278 ha đất phát triển KCN, chiếm khoảng 5,5% tổng diện tích đất KCN cả nước.
Chỉ tính trên các hợp đồng đã ký năm 2020 và đầu năm 2021, KBC ước tính kết quả doanh thu hợp nhất ước đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu từ các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu và Khu đô thị Phúc Ninh và Khu đô thi Tràng Duệ.
Trong một báo cáo, SSI Research Quy hoạch Khu công nghiệp mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 có thể gia tăng diện tích đất khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt đối với các khu công nghiệp lớn với tổng diện tích đất trên 1000 ha đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.
Giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể thấp hơn khoảng 25-30% so với Indonesia và Thái Lan, là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI.
Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7-8% tại khu vực phía Nam và 5-6% tại khu vực phía Bắc trong năm 2021.
Quay lại với KBC, trong năm 2020, doanh thu và lãi ròng lần lượt giảm 33% và 78% so với năm trước, xuống còn 2.154 tỷ đồng và 206 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm 81%, doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng chiếm 6% và không ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng (năm trước đạt 100 tỷ đồng).
Tại ngày cuối năm 2020, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 6.675 tỷ đồng, tăng 22% với hơn 2.701 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn.
Nợ phải trả cũng tăng lên hơn 12.940 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn tăng 68% lên gần 6.833 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn gấp 3 lần đạt gần 6.108 tỷ đồng.