“Kẻ hủy diệt 2” của Anh đã bị Nga chôn vùi ở Kursk
Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 (Kẻ hủy diệt 2) mà Anh viện trợ cho Ukraine, từng được phương Tây vinh danh là “bất bại”, đã bị phơi xác ở mặt trận Kursk.
Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)
Xem toàn bộ ảnh
Truyền thông Nga gần đây đã phát sóng cảnh quay từ Kursk, nơi phát hiện ra những phần còn lại của một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 do Anh sản xuất, được cung cấp cho Ukraine. Chiếc xe tăng đã bị phá hủy và chôn một phần trong một khu vực rừng rậm, ẩn mình giữa những hàng cây.
Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy sự tàn phá đối với chiếc Challenger 2 này, có khả năng là do loại UAV tự sát Lancet, trong khi xe tăng được triển khai trên lãnh thổ Nga. Như vậy chiếc xe tăng từng được ví là “bất bại” trong cuộc xâm lược Iraq năm 2023, đã liên tiếp bị phá hủy khi tham chiến.
Ảnh chụp màn hình từ bản tin của Đài truyền hình Nga, cho thấy chiếc Challenger 2 bị trúng đạn vào tháp pháo, đặc biệt là ở khu vực nạp đạn. Chi tiết này rất quan trọng, vì có thể có một đám cháy lớn bất ngờ sau vụ tấn công, cho thấy đây là loại UAV tự sát Lancet, đã tấn công trúng vào vị trí hiểm yếu trên xe. Sau đó gây nổ đạn trong xe, tạo ra quả cầu lửa cực lớn.
Khoang chứa đạn chính của Challenger 2 nằm ở phía sau tháp pháo và tách biệt với kíp lái bằng hệ thống bảo vệ, chỉ một lượng đạn nhỏ được để trong khoang chiến đấu. Những viên đạn này được chứa trong các vị trí riêng biệt, được trang bị hệ thống chữa cháy. Thiết kế này giúp để đạn pháo xung quanh xe tăng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra vụ nổ thảm khốc nếu xe tăng bị trúng đạn.
Nhưng rất có thể trong trường hợp này, có vẻ như UAV Lancet của Nga, đã vô tình đánh trúng vị trí chứa đạn đạn trong khoang chiến đấu. Điều thú vị là một số bộ phận của tháp pháo dường như vẫn còn nguyên vẹn sau vụ nổ. Pháo chính 120mm L30A1 có rãnh xoắn vẫn còn nguyên vẹn trên mặt đất, cùng với một số lớp giáp bảo vệ của tháp pháo.
Trái ngược với chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên bị phá hủy ở mặt trận Zaporizhia vào tháng 10/2023, khi nó bị nhấn chìm hoàn toàn trong biển lửa, thì chiếc Challenger 2 mang đến cho Quân đội Nga cơ hội thu hồi một số bộ phận nhất định, như tháp pháo và một số bộ phận của lớp giáp, để có thể khai thác bí mật công nghệ.
Năm 2023, Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2, như một phần của hỗ trợ quân sự quốc tế. Mục đích là để “kích thích” Mỹ và các quốc gia khác viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Việc giao hàng này đã được công bố vào đầu năm và những chiếc xe tăng đầu tiên đã đến Ukraine vào tháng 3/2023.
Sau khi nhận xe tăng Challenger 2, các kíp xe người Ukraine đã trải qua khóa đào tạo cấp tốc tại Anh, để sử dụng loại xe tăng được ví là “bất bại” này. Đến mùa thu năm 2023, xe tăng Challenger 2 lần đầu tiên được phát hiện trong chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ngay trong lần ra quân chiến đấu đầu tiên, một chiếc Challenger 2 đã bị quân Nga phá hủy vào tháng 9/2023. Sự cố này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, đánh dấu trường hợp đầu tiên được biết đến về một chiếc Challenger 2 bị tiêu diệt trong chiến đấu.
Theo một số thông tin, các loại xe tăng mà phương Tây viện trợ cho Ukraine thường bị cắt giảm một số tính năng kỹ chiến thuật (nhất là xe tăng Mỹ); nhưng riêng với xe tăng Challenger 2 của Anh, nó gần giữ như nguyên bản, giống như phiên bản dùng trong Quân đội Anh. Ví dụ như pháo nòng xoắn L30A1 120mm và giáp hạng nặng.
Có lẽ hệ thống mà người Anh bắt buộc phải tháo dỡ khỏi những chiếc Challenger 2 viện trợ cho Ukraine, đó chính là hệ thống quản lý chiến trường hiện đại nhất, giúp tăng cường khả năng phối hợp và giao tiếp trong khi chiến đấu. Ngoài ra một số hệ thống nhìn đêm và hồng ngoại mới nhất, mà Quân đội Anh sử dụng cũng bị tháo dỡ, vì lo ngại lọt vào tay Quân đội Nga.
Xe tăng Challenger 2 được đánh giá là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất và được bọc thép dày nhất trên thế giới, được phát triển bởi công ty Vickers Defence Systems của Anh (nay đã sáp nhập vào BAE Systems), xe có trọng lượng chiến đấu khoảng 75 tấn.
Một trong những tính năng nổi bật của Challenger 2 là hệ thống cảm biến và kiểm soát hỏa lực hiện đại, được gọi là TOGS II (Hệ thống quan sát ảnh nhiệt và ngắm bắn pháo), do công ty Thales Group phát triển. Hệ thống tiên tiến này giúp kíp xe tăng có thể ngắm bắn với độ chính xác cao, bất kể ngày hay đêm.
TOGS II bao gồm camera ảnh nhiệt để ngắm mục tiêu và quan sát, cũng như máy đo khoảng cách laser của công ty Marconi (nay thuộc BAE Systems), giúp tính toán khoảng cách đến mục tiêu một cách chính xác. Hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động, điều chỉnh theo các biến số như gió, nhiệt độ và chuyển động của xe, đảm bảo ngắm bắn chính xác.
Khi nói đến khả năng bảo vệ, Challenger 2 sử dụng giáp Dorchester tiên tiến, dựa trên khái niệm giáp Chobham, được coi rộng rãi là một trong những loại giáp tốt nhất thế giới. Vũ khí chính của xe tăng, pháo nòng xoắn L30A1 120mm, có thể bắn nhiều loại đạn, bao gồm đạn xuyên giáp, đạn nổ phá với tầm bắn hiệu quả lên tới 5 km.
Về vũ khí phụ, Challenger 2 được trang bị súng máy 7,62mm L94A1 và L37A2 lắp đồng trục trên pháo chính và trên nóc tháp pháo. Xe tăng cũng có hệ thống màn khói, có thể được kích hoạt bằng cách phóng lựu đạn khói hoặc phun nhiên liệu diesel vào hệ thống ống xả để tạo ra màn khói bảo vệ.
Việc mất những chiếc xe tăng Challenger 2 này, đặc biệt là việc phát hiện ra nó ở mặt trận Kursk, không chỉ đặt ra câu hỏi về khả năng sống sót của những cỗ máy bọc thép hạng nặng này trong chiến tranh hiện đại, mà còn là lời nhắc nhở về những rủi ro, liên quan đến việc cung cấp công nghệ quân sự tiên tiến cho các lực lượng nước ngoài, đang tham gia vào các cuộc xung đột dữ dội. (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, Ukrinform).