“Kết buồn” của đại gia về quê xây biệt thự tặng cả làng
Xây hàng trăm căn biệt thự tặng dân làng để báo đáp ân tình nhưng vị đại gia phải tránh trở về quê trong một thời gian vì những bất đồng của người dân.
Hoàng Minh (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Trần Sinh được người dân Trung Quốc biết đến là một đại gia bất động sản có tiếng. Ông là Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, đồng thời cũng là ông chủ chuỗi thịt lợn cao cấp Yihao Tuzhu.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, Trần Sinh vừa đi học, vừa phụ giúp cha mẹ. Sau bao vất vả, Trần Sinh xuất sắc đỗ vào Đại học Bắc Kinh, 1 trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, biến cố ập đến khi cha của Trần Sinh bất ngờ qua đời. Để Trần Sinh không phải từ bỏ cơ hội học tập quý giá, mọi người trong làng đã đồng lòng hỗ trợ cho gia đình Trần Sinh.
Sau 4 năm học đại học với thành tích xuất sắc, Trần Sinh thi đỗ kỳ thi công chức và có một công việc ổn định. Tuy nhiên, với tham vọng đổi đời, cùng với mong muốn trả ơn cho ngôi làng đã nuôi dưỡng mình, Trần Sinh quyết tâm thử sức trong kinh doanh.
Tiandi No.1 Beverage với sản phẩm đồ uống giấm là một trong những thành tựu để đời của Trần Sinh. Thương hiệu nhanh chóng nổi tiếng và mở ra một hành trình mới cho Trần Sinh. Sau đó, ông tiếp tục bắt đầu những dự án mới trong kinh doanh, đó là thương hiệu thịt lợn "Yihao Tuzhu".
Theo thời gian, sự nghiệp của Trần Sinh ngày càng lớn mạnh. Năm 2018, Yihao Tuzhu có mặt trên 30 tỉnh và thành phố lớn, doanh thu trong năm 2018 đã đạt tới 1,8 tỷ NDT. Thành công này đã đưa Trần Sinh thành tỷ phú.
Đáp ân tình của dân làng, Trần Sinh tặng mỗi gia đình một biệt thự rộng 300m2, giúp cả làng thoát nghèo. Đây là phần thưởng đại gia Trung Quốc muốn dành tặng cho lòng tốt của dân làng.
Trần Sinh đầu tư 200 triệu tệ xây 258 biệt thự mái đỏ 3 tầng khang trang trên đất do chính quyền cấp. Mỗi căn biệt thự có diện tích 280m2, bao gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và vườn.
Mỗi căn biệt thự đều có sân để chơi thể thao và thậm chí còn có cả sân khấu cho các sự kiện khác nhau. Việc xây dựng đã được hoàn thành vào năm 2016.
Tuy nhiên, khi thông tin này lan ra, ngày càng nhiều người vốn đã rời quê hương trở về để đòi nhà. Một số người dân còn so bì chất lượng, vị trí của nhà này với nhà khác, phàn nàn tại sao họ không được ở nhà to hơn, nằm ở đầu khu cho thuận tiện đi lại…
Thậm chí, có gia đình muốn sở hữu hai căn biệt thự để gọi cả con cháu, họ hàng ở nơi khác tới ở.
Những bất đồng của mọi người không thể thống nhất đã khiến Trần Sinh phải tránh trở về quê hương trong hai năm vì cảm thấy chán nản về những chuyện đã xảy ra.
Dù sau buổi thảo luận lại về sự phân chia nhà ở, các hộ gia đình có thể thống nhất lại việc ai ở nhà nào nhưng cách cư xử của một bộ phận dân làng đã khiến mong muốn báo đáp của Trần Sinh trở thành câu chuyện không mấy vui vẻ. Nguồn ảnh: QQ, Sznews