Khả năng 30 giờ tới, Israel tấn công quy mô lớn vào Iran
Khả năng trong 48 giờ tới, Israel sẽ tấn công quy mô lớn vào Iran; tiêm kích F-14 của Iran đã xuất kích, tuần tra khu vực biên giới phía Tây. Tướng Mỹ đã đến Israel bàn kế hoạch phối hợp tác chiến.
Tiến Minh (Theo Avia.pro, Topcor.ru)
Xem toàn bộ ảnh
Hình ảnh vệ tinh sơ bộ về cảnh tên lửa Iran ném bom Israel đã được đưa ra. Nhà chức trách Israel cũng thừa nhận, 2 căn cứ không quân của họ bị tên lửa Iran tấn công. Tuy nhiên, nhà chức trách Israel cũng khẳng định, các cơ sở và máy bay chủ chốt không bị hư hại, hiện vẫn hoạt động bình thường.
Theo thông tin của truyền thông Mỹ, có ít nhất 33 miệng hố tại Căn cứ Không quân Nevatim, nhưng hầu hết chúng đều có sức công phá tương đối nhỏ. Nơi có sức tàn phá mạnh nhất là nhà chứa máy bay, mặc dù đã bị thổi bay, nhưng không rõ có máy bay nào bị phá hủy hay không?
Hầu hết các miệng hố đạn tên lửa đều phân bố ở các khu vực trống trải và trên thực tế, tên lửa của Iran cũng không thể làm gì được, vì bản thân hầu hết các căn cứ không quân của Israel đều nằm ở khu vực trống.
Dù truyền thông Mỹ đánh giá sức công phá của tên lửa Iran tương đối nhỏ, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là tên lửa Iran đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Israel. Điều đó cũng chứng tỏ, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Israel, hoạt động không hiệu quả như đã từng tuyên bố.
Về điểm này, Israel giải thích như sau: sau khi hệ thống radar phòng không của họ phát hiện một tên lửa đang bay tới, máy tính tốc độ cao sẽ thực hiện các tính toán về đường đạn. Một khi phát hiện tên lửa sẽ rơi ở khu vực trống hoặc mục tiêu không quan trọng, nó sẽ không đánh chặn. Hệ thống chỉ đánh chặn những tên lửa có khả năng gây nguy hại.
Iran gặp bất lợi, vì không có khả năng tiến hành đánh giá sau mỗi đợt tấn công. Một khi tên lửa đã được phóng đi, họ không biết liệu chúng có đánh trúng mục tiêu hay không? Họ chỉ có thể đợi phương Tây công bố ảnh vệ tinh, trước khi có thể có được một ý tưởng sơ bộ. Vì vậy, chỉ có bản thân Israel mới biết được sức công phá thực sự của tên lửa Iran.
Theo thông tin của tờ Washington Post ngày 6/10, Israel có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Iran trong vòng 48 giờ tới. Mục tiêu của cuộc tấn công có thể là các cơ sở hạt nhân và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Các cơ sở này đều là mục tiêu chiến lược có giá trị cao đối với Iran.
Những mục tiêu trên một khi bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng, chúng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Iran. Việc phá hủy các cơ sở hạt nhân sẽ làm suy yếu vị thế quốc tế của Iran, phương Tây có thể nhân cơ hội này, thắt chặt các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, dầu mỏ là huyết mạch kinh tế của Iran, và nếu bị phá hủy, nền kinh tế Iran có thể bị lùi lại vài năm. Nói tóm lại, tình hình chống lại các mục tiêu này gần như chắc chắn sẽ leo thang và Quân đội Mỹ đóng quân ở Trung Đông đã được chỉ thị chuẩn bị ngay lập tức trú ẩn ở những vị trí kiên cố, trong trường hợp có xung đột lớn .
Theo tờ Times of Israel, ngày 6/10, Tướng Michael Kurila, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đã đến Israel sau khi nhận thấy tình hình sẽ leo thang nghiêm trọng. Ông đã gặp các quan chức chỉ huy cấp cao của Israel để thảo luận về sự phối hợp chiến lược và hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp cho Israel.
Các cuộc thảo luận về khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran được cho là nằm trong chương trình nghị sự. Đối với Israel, hậu quả của cuộc tấn công như vậy sẽ vô cùng quan trọng và cần có sự giúp sức của Mỹ, đặc biệt là thông tin tình báo và khả năng tiếp dầu trên không.
Các chuyên gia độc lập thì cho rằng, các cuộc tấn công vào các mục tiêu chiến lược của Iran, có thể dẫn đến sự trả đũa lớn hơn từ phe Iran. Từ góc độ này, hai cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Iran vừa qua đều không khiến Israel sợ hãi. Nói cách khác, Israel không sợ khả năng răn đe chiến lược của Iran.
Khi tình hình khu vực ngày càng trở nên nguy cấp, mỗi lần cất cánh quy mô lớn của Không quân Israel, sẽ khiến Iran lầm tưởng rằng Israel sắp phát động một cuộc tấn công. Điều này có thể gây căng thẳng và nhầm lẫn cho lực lượng phòng không Iran, dẫn đến những hành động đáng tiếc, như vụ bắn nhầm máy bay chở khách của hãng hàng không Ukraine năm 2020 ở thủ đô Tehran, làm 170 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo thông tin của trang web hàng không AVIA của Nga, sáng sớm 6/10, các nguồn tin cho biết, ít nhất hai phi đội máy bay chiến đấu của Israel đã xuất kích từ căn cứ không quân, mỗi phi đội có 12 máy bay chiến đấu.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị của Israel cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Iran đã bước vào giai đoạn cuối, ít nhất 24 máy bay chiến đấu đã xuất hiện trên bầu trời, cho thấy quy mô của cuộc tấn công của Israel vào Iran nếu có, là sẽ bằng lực lượng không quân.
Trong bối cảnh đó, Quân đội Iran đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu toàn bộ và các máy bay chiến đấu F-14A "Tomcat" đã được điều động để tuần tra dọc không phận phía tây. Chúng được trang bị tên lửa không đối không tầm xa AIM-54B và có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 135 km.
Ngoài tên lửa này, F-14A của Iran còn được trang bị tên lửa không đối không Fakul-90, đây là bản sao tên lửa AIM-54B của Iran, có tầm bắn tối đa 150 km. F-14A được trang bị hệ thống radar trên không AN/AWG-9 đa chức năng, có thể phát hiện các mục tiêu có độ phản xạ radar chỉ 0,07 mét vuông, gần tương đương với kích thước của tên lửa hành trình Delilah của Israel.
Theo các thông tin, tầm bắn của tên lửa hành trình Delilah của Israel có thể lên tới 70km, điều này khiến tiêm kích F-14A mặc dù đã trên 45 tuổi, vẫn phát huy hiệu quả trong tác chiến trên không. Ngoài ra, Iran cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các vệ tinh của Nga, để tăng cường khả năng thu thập dữ liệu tình báo. (Nguồn ảnh: IRNA, CNN, Times of Israel).