Mới đây nhất là trường hợp khách hàng tố Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Bảo hiểm Prudential) cố tình chèn ép để hủy hợp đồng với khách hàng được dư luận quan tâm trong những ngày qua.
|
Hóa đơn thu tiền bảo hiểm Prudential của chị Tạ Như Hoa. |
Theo hợp đồng, mỗi năm gia đình chị Hoa sẽ phải đóng số tiền khoảng hơn 21 triệu đồng (khoảng hơn 7 triệu đồng/hợp đồng/năm). Trong 3 năm đầu (2010, 2011, 2012), chị Hoa đã đóng trực tiếp cho ông Đoàn Văn Hạnh số tiền gần 65 triệu đồng.
Thế nhưng, đến cuối năm 2013, ông Đoàn Văn Hạnh không liên lạc, cũng như không đến nhà chị Hoa trực tiếp để thu tiền. Do công việc bận rộn, lại cho rằng có người thu tiền trực tiếp thì xảy ra sự cố gì phía công ty sẽ thông báo nên chị Hoa không để ý.
Đến cuối tháng 12/2014, chị Hoa có liên hệ với ông Đoàn Văn Hạnh để hỏi lý do tại sao 2 năm nay không đến thu tiền trực tiếp thì nhận được câu trả lời: “Do bận!”.
Lo lắng hợp đồng bảo hiểm của mình có thể bị hủy, chị Hoa đã yêu cầu ông Đoàn Văn Hạnh cùng lên trụ sở công ty bảo hiểm Prudential ở tầng 29, tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội) để làm việc trực tiếp. Tại đây, chị Hoa và ông Hạnh được một nhân viên tên Hà, phòng chăm sóc khách hàng thông báo cả 3 hợp đồng bảo hiểm của chị Hoa đã bị hủy do quá 24 tháng không có trách nhiệm đối với hợp đồng.
Chị Hoa thắc mắc tại sao không thấy chị đóng tiền mà công ty không gọi điện trực tiếp hoặc thông báo nhắc nhở thì công ty cho biết đã lưu nhầm số điện thoại của chị. Ngay tại thời điểm đó, ông Đoàn Văn Hạnh cũng đã nhận lỗi sai do “quên” không thu tiền bảo hiểm.
Quá bức xúc vì cách làm việc cẩu thả của nhân viên công ty, chị Hoa yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì nhận được thông báo nếu hủy mỗi hợp đồng, chị không nhận được tiền gốc mà chỉ thu lại được vài trăm ngàn đồng.
Không đồng ý với cách làm này, chị Hoa và ông Hạnh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại mong được khôi phục hợp đồng nhưng không được giải quyết, phúc đáp.
Sau nhiều lần kiên trì khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential “ưu tiên” cho khôi phục với điều kiện phải nộp phạt và đóng 1 lần toàn bộ số tiền chưa đóng trong 4 năm (từ năm 2013 tới nay) là 64.140.000/ hợp đồng. “Như vậy, để khôi phục cả 3 hợp đồng sẽ mất số tiền hơn 190.000.000 đồng. Con số này là quá vô lý." - chị Hoa nói.
Tiếp tục khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential giảm số tiền phải đóng còn hơn 34,6 triệu đồng/hợp đồng. Tuy vậy, dù đã đóng hơn 100 triệu để khôi phục 3 hợp đồng nhưng những rắc rối trong thủ tục khôi phục hợp đồng sau đó khiến chị càng thêm bức xúc.
Đến ngày 1/6 vừa qua, chị Hoa tiếp tục đến trụ sở của Công ty Prudential để khiếu nại nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, thậm chí còn bị bảo vệ đuổi ra ngoài…. Không thể đồng tình với cách làm việc của Prudential, người nhà chị Hoa đã quay clip để cảnh báo các khách hàng có ý định mua bảo hiểm tại đơn vị này.
Ngày 5/6, sau nhiều ngày lên tiếng đòi lại quyền lợi sau khi bị phía công ty bảo hiểm Prudential gây khó khăn khi tới làm thủ tục khôi phục hợp đồng, đại diện gia đình chị Tạ Như Hoa cho biết: "Sau 2 tiếng làm việc với phía công ty bảo hiểm, họ đã đồng ý trả lại toàn bộ số tiền gia đình đã tham gia bảo hiểm từ năm 2010 đến nay. Tổng số tiền là 200 triệu đồng, với lý do gia đình không còn tin vào công ty bảo hiểm nữa".
Bị lật tẩy hàng loạt sai phạm
Đây không phải là lần đầu Prudential bị dính "phốt". Trước đó, trong đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2016 đối với 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH Dai-ichi Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam và hai công ty môi giới bảo hiểm trong quý 3/2016, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã phát hiện các doanh nghiệp bảo hiểm này vi phạm hàng loạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hoạt động môi giới bảo hiểm…
Cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp đã chấp hành không đúng quy định về việc tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; vi phạm việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; chi hoa hồng đại lý; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã chấp hành chưa đúng quy định của Bộ Tài chính về phí bảo hiểm, cụ thể là vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe. Ngoài ra còn vi phạm về công tác đào tạo, cấp chứng chỉ và quản lý đại lý. Đặc biệt là vi phạm về việc chi hỗ trợ đại lý cao hơn quy định, chi bồi thường cho trường hợp bị loại trừ bảo hiểm, bồi thường chưa đủ căn cứ hoặc bằng chứng xác thực...