Suốt 39 năm qua, năm nào ông Marn Chuan Lee cũng đến thăm ngôi mộ người bà quá cố ít nhất 3 lần, quét tước dọn dẹp, thậm chí còn lắp đèn để mộ của cụ trông sáng sủa hơn. Nhưng rồi mọi thứ đổ sụp trước mắt người đàn ông tận hiếu khi Marn trông thấy những di vật hoàn toàn không thuộc về bà mình. Hồi tháng 8, các công nhân đào mộ tại nghĩa trang Choa Chu Kang ở Singapore đã nâng một cỗ quan tài từ trong huyệt mộ mà Marn Chuan Lee thờ phụng suốt bao năm, bên trong chỉ toàn chứa thú nhồi bông, bút chì màu và vòng cổ - những di vật không hề liên quan đến bà cụ già nua.
Người đàn ông 50 tuổi gần như ngã quỵ trước tin sét đánh ngang tai này. “Tôi sắp phát điên mất. Cứ như có ai đó đã trộm xác bà đi vậy, chúng tôi biết tìm ở đâu bây giờ?”, ông nghẹn ngào.
Vụ việc xảy ra ở nghĩa trang Choa Chu Kang (Singapore). |
Ngày 2/10, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) đã khai quật hai ngôi mộ nằm sát bên nấm mồ mà bấy lâu nay Marn vẫn tưởng là bà mình. Suy đoán ban đầu cho thấy tấm bia của một ngôi mộ đã bị đặt sai vị trí, từ đó khiến một loạt các huyệt mộ phía sau cũng bị gắn lầm tên.
Thế nhưng, di vật trong các nấm mồ này lại thuộc về đàn ông, không có mối liên hệ nào với bà của Marn. Không cam lòng bỏ cuộc, người đàn ông tiếp tục tìm kiếm và phát hiện hài cốt của bà mình vào ngày 11/10, sau khi NEA khai quật thêm 5 ngôi mộ nữa trong khu nghĩa trang.
Phát biểu trước truyền thông vào hôm 16/10, đại diện NEA cho biết sự cố nhầm lẫn đáng tiếc này đã xảy ra từ 39 năm trước: “Gia quyến của một người nằm dưới mộ đã không dựng bia đề tên cho người này. Về sau, do sai lầm trong quá trình xác định vị trí nên người ta đã dựng tấm bia ở giữa hai ngôi mộ liền kề”. Chính sự bất cẩn tai hại này đã khiến 9 ngôi mộ trong nghĩa tang bị đảo lộn danh tính suốt mấy chục năm ròng.
Cơ quan này đã sắp xếp lại tên tuổi của người đã khuất cho phù hợp với vị trí huyệt mộ của họ, đồng thời xin lỗi người dân vì sơ suất mình gây ra. Đây là lần đầu tiên NEA mắc phải sai lầm nghiêm trọng như thế trong suốt quá trình khai quật 16.800 ngôi mộ từ ngày 30/9 đến nay. Hành động này nằm trong giai đoạn 7 của dự án khai quật mộ người đã khuất tại nghĩa trang Choa Chu Kang.
Thời gian chờ đợi NEA tìm ra hài cốt của bà giữa khu nghĩa trang trùng điệp chính là cực hình đối với Marn. “Tôi không sao tập trung làm việc nổi, ăn ngủ cũng không màng”, ông bồi hồi nhớ lại. Quá đỗi tuyệt vọng, người đàn ông đáng thương còn viết thư cho tòa soạn báo Lianhe Wanbao để nhờ sự trợ giúp của giới truyền thông.
Theo người phát ngôn của NEA, ban đầu cơ quan này không thể khai quật hàng loạt nấm mồ cùng một lúc, bởi họ cần có thời gian sắp xếp và xác minh danh tính của người nằm dưới mộ. Tuy nhiên, trong quá trình này, họ phát hiện có đến 8.500 ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang đang chờ thân nhân xác nhận. Nếu đến hết ngày 30/9/2019 mà vẫn không thể xác minh tên tuổi của chủ nhân huyệt mộ, cơ quan chức năng buộc phải hỏa táng hài cốt và giữ lại tối đa 3 năm trước khi rải xuống biển.
Marn đã hỏa táng xương cốt của bà, nhưng không dám gửi lại nghĩa trang vì lo sợ quản lý sẽ xáo trộn các hũ tro cốt và khiến ông nhận nhầm người thân một lần nữa. Thay vào đó, người cháu hiếu thảo quyết định mang tro cốt của bà về nhà để thờ phụng, đợi thời điểm thích hợp sẽ gửi lên chùa cầu siêu.
Thuở còn thơ, chính bàn tay tảo tần của bà đã nuôi lớn Marn cùng 6 anh chị em của ông. Đau đớn thay, năm ông 12 tuổi, còn chưa kịp lớn để báo đáp công ơn dưỡng dục thì bà đã qua đời. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mới được đoàn tụ cùng bà sau ngần ấy năm, thật không dám nghĩ đến chuyện bất cẩn để lạc mất bà thêm lần nữa”.