Khai quật mộ, phát hiện khó tin về cây gia phả cổ xưa nhất TG
Khi khai quật ngôi mộ cổ đặc biệt tại vùng Cotswolds-Severn (Anh), các nhà khoa học đã phát hiện những chi tiết kinh ngạc về người Anh thời kỳ đồ đá.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Khi khai quật một ngôi mộ cổ ở vùng Cotswolds-Severn (Anh) các nhà khoa học đã phát hiện 35 bộ hài cốt được chôn cất từ 5.700 năm trước. Kết quả phân tích DNA đã tiết lộ mối quan hệ đặc biệt của ít nhất 27/35 người.
Điều này cũng cho thấy những con người thời đại đồ đá ở Anh có cuộc sống và văn hóa phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Nhóm các nhà di truyền học và khảo cổ học quốc tế từ Đại học Newcastle, Đại học Basque Country, Đại học Vienna và Đại học Harvard đã tiến hành phân tích DNA được chiết xuất từ xương và răng của các bộ hài cốt.
Kết quả thu được cho thấy, đứng đầu cây gia phả gồm 27 người này là một người đàn ông và 4 người vợ. Các thành viên còn lại đa phần là hậu duệ của họ.
Điểm đặc biệt là ngoài 4 người phụ nữ nói trên thì các thế hệ sau rất hiếm hài cốt nữ giới. Hài cốt nam và nữ được chôn trong 2 khu vực riêng biệt của ngôi mộ cổ hình chữ L này, với phần lớn hơn thuộc về những người đàn ông nằm cùng anh em của họ.
Trong khu mộ nữ giới có 2 hài cốt là trẻ chưa trưởng thành, ngoài ra còn có các cá thể không cùng huyết thống. Các nhà nghiên cứu giải thích, nữ giới Anh quốc thời kỳ đó được chôn cất cùng chồng của họ sau khi qua đời, nếu đã lập gia đình.
Do đó chỉ những đứa con gái chết non, chưa lập gia đình mới nằm cùng mộ phần với cha mẹ. Trong 8 cá thể không có liên hệ huyết thống với bất kỳ ai, có 3 người phụ nữ mà các nhà khoa học tin là những người đã kết hôn với một trong các thành viên nam của gia tộc.
Tuy nhiên những người này không có con hoặc chỉ có con gái, và đứa con gái đã đi lấy chồng, sau đó an nghỉ trong mộ gia đình chồng.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ chi tiết rất "hiện đại" trong quan điểm về hôn nhân và gia đình của người Anh thời đồ đá. Đó là những đứa con riêng được nhận vào gia đình và cũng được an táng theo đúng nghi lễ của những đứa con chung.
Bằng chứng là có những người đàn ông có mẹ cùng nằm trong mộ, nhưng người chồng của mẹ họ lại không phải cha ruột của họ.
Tiến Chris Fowler từ Đại học Newcastle, tác giả chính của nghiên cứu cho biết phát hiện này đã cung cấp cái nhìn sâu sắc chưa từng có về mối quan hệ gia đình trong một cộng đồng thời đại đồ đá mới.
Kết quả phân tích cũng cho thấy, đây là cây gia phả lâu đời nhất được lập nên bằng cách phân tích DNA.