(Kiến Thức) - Mỗi quốc gia đều có món ăn đặc trưng mang ý nghĩa tốt lành trong mâm cỗ Tết. Cùng khám phá đặc sản ngày Tết khắp nơi trên thế giới.
Mi Trần (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Giống như Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng đón Tết âm lịch. Trong những ngày đầu năm mới, ở mỗi quốc gia đều có những món ăn truyền thống, với quan niệm sẽ giúp người thưởng thức gặp may mắn trong cả năm.
Trung Quốc. Trong bàn tiệc đầu năm của người Trung Quốc có rất nhiều những món ăn may mắn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm. Mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững và món bánh này cũng được dùng làm quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.
Người Trung Quốc cũng quan niệm ăn cá trong bữa cơm tất niên được coi là một cách tốt để khởi đầu năm mới và sẽ biến điều ước thành hiện thực. Quan niệm này xuất phát từ chữ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”.
Hàn Quốc. Mâm cúng đêm giao thừa gồm có rất nhiều món, tuy nhiên món truyền thống đón Tết của người Hàn mà bất cứ nhà nào cũng phải có là ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món cay kim chi và món bánh gạo tteokguk, món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai.
Trước kia, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng Âm lịch. Cũng như người Hàn Quốc, nhân dân Triều Tiên thường ăn món canh Ttok-kuk vào ngày đầu tiên của năm mới. Họ quan niệm, một bát canh Ttok-tuk sẽ đem lại may mắn cho cả năm và kết thúc một tuổi của năm cũ.
Một món ăn nữa không thể thiếu của người Triều Tiên là món “cơm thuốc” làm từ mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ lợn, tương... Do người dân nơi đây xem mật ong như là một loại thuốc chữa bệnh và ăn món cơm này vào thì cả năm sẽ sống sung túc, ngọt ngào.
Mông Cổ. Ngày Tết ở Mông Cổ được chờ đợi nhất trong năm và được gọi là tết Tháng Trắng. Ngày Tết này được tính theo lịch Tây Tạng và gần như trùng hẳn với tết Nguyên Đán của Việt Nam. Với người Mông Cổ, cừu đóng vai trò vô cùng quan trọng và nó là nguồn lương thực chính.
Do vậy mà mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu những món ăn từ thịt cừu như cừu nướng và mỳ vằn thắn. Đồ uống truyền thống là sữa ngựa lên men hoặc vodka trộn sữa.
Singapore. Món ăn truyền thống của đất nước này đều là món Yu Sheng, một loại gỏi gồm cá hồi sống và các loại rau củ quả. Bên cạnh đó, người dân Malaysia và Singapore thêm cá vào món Yu Sheng để cầu may mắn, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài.