Khám phá dinh thự đẹp nổi tiếng của vua Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột
Lịch sử của Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột bắt đầu từ năm 1926, khi Paul Giran - công sứ Pháp tại Đắk Lắk đã cho xây dựng Tòa công sứ bằng gạch và vôi kiên cố...
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Tọa lạc tại phường Tân Tiến, Biệt điện Bảo Đại là một di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tên gọi chính thức của di tích này trước đây là "Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du".
Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 28/2/2023, tên gọi nói trên đã được sửa đổi thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”. Tên gọi này phản ánh lịch sử đặc biệt của di tích, gắn với thân thế vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam - vua Bảo Đại.
Ngược dòng thời gian, lịch sử Biệt điện bắt đầu từ năm 1926, khi Paul Giran - công sứ pháp tại Đắk Lắk đã cho xây dựng Tòa công sứ bằng gạch và vôi kiên cố. Tòa nhà hoàn thành vào năm 1927.
Tháng 11/1947, cựu hoàng Bảo Đại về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Ông đã ngụ ở tòa nhà từ tháng 11/1947 đến tháng 5/1948.
Từ 1949-1954, Bảo Đại thường xuyên tới đây vào đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và săn bắn. Do đó, tòa nhà được người dân gọi là Biệt điện Bảo Đại.
Sau khi cựu hoàng Bảo Đại sang pháp lưu vong, "Biệt điện" trở thành cái tên gắn liền với tòa nhà, như Tòa tỉnh trưởng Biệt điện (sau 1954), nhà khách Biệt điện (sau 1975).
Từ năm 1977, Biệt điện được sử dụng làm nhà khách rồi sau này là một phần của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk. Vào năm 1999, công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia với tên gọi chính thức là “Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du”.
Về tổng quan, di tích Biệt điện Bảo Đại có khuôn viên rộng lớn với diện tích gần 6,5 ha, gồm hai công trình xây dựng là một tòa biệt thự và một nhà dành cho nài voi.
Tòa biệt thự mà vua Bảo Đại từng ở là công trình chính của di tích. Đây là một tòa nhà bề thế được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn mang những nét rất gần gũi với kiến trúc của đồng bào Tây Nguyên, như nhà sàn của người Ê Đê hay nhà trệt của người M'Nông.
Khuôn viên Biệt điện rất rộng với nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm như long não, bằng lăng ối, châm mũi nhọn, sao đen... Nổi tiếng nhất là hai cây long não có chu vi gốc trên 8m và tán lá rộng hơn 200m2 nằm đối xứng hai bên cổng vào.
Theo Báo Đắk Lắk Điện tử, di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam tại Đắk Lắk.
Việc đổi tên di tích sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị, công năng của di tích; đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của công chúng khi đến với các di tích trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, sắp tới sẽ tổ chức mở cửa, trưng bày, tổ chức trải nghiệm trong không gian Biệt điện, nhằm giới thiệu đến công chúng không gian sống, làm việc của cựu hoàng Bảo Đại và nét văn hóa phong kiến Việt Nam xưa.
Mời quý độc giả xem video: Hương Vị Nhiệt Đới ở Phú Quốc | VTV Travel.