Khẳng định lần đầu tiên F-35 bị tên lửa Iran phá hủy
Trong cuộc tập kích tên lửa bất ngờ của Iran vào lãnh thổ Israel rạng sáng ngày 2/10, có thể khẳng định máy bay F-35 của Israel lần đầu tiên bị tên lửa Iran phá hủy.
Tiến Minh (Theo Sina)
Xem toàn bộ ảnh
Trong trận tập kích tên lửa của Iran vào lãnh thổ Israel, vào đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/10, truyền thông phương Tây cho rằng, có tới 90% tên lửa của Iran đã bị đánh chặn? Nhưng các nguồn tin tại Trung Đông như Al Jazeera, IRNA lại cho rằng, 90% tên lửa của Iran đã bắn trúng mục tiêu?
Hai luồng thông tin này đến từ hai nguồn thông tin đối nghịch nhau; bên cho rằng 90% tên lửa của Iran đã bị đánh chặn, là dựa trên thông tin từ truyền thông Israel. Nguồn thông tin cho rằng, 90% tên lửa của Iran đánh trúng mục tiêu, là dựa trên nguồn tin từ Quân đội Iran. Trên thực tế, không có tin tức nào đáng tin cậy.
Đối với Iran, họ đã dốc hết sức lực và phóng liên tiếp 200 tên lửa, nhằm thể hiện về khả năng răn đe của mình. Một mặt là nâng cao tinh thần và khôi phục uy tín của “Người anh cả Trung Đông”. Mặt khác, đó là tiến hành một cuộc chiến dư luận, để chứng minh cho thế giới thấy rằng, Iran không phải là “quả hồng mềm”.
Nhưng đối với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), được ví là “Trung Đông bất bại”, làm sao có thể bị Iran dễ dàng đánh bại? Nếu hệ thống phòng không đa tầng bị tên lửa Iran xuyên thủng, điều đó chứng tỏ chiếc ô phòng không của Israel hoạt động kém hiệu quả.
Kết quả tấn công bằng tên lửa của Iran vào rạng sáng ngày 2/10 cho thấy, tên lửa của Iran không chỉ chọc thủng mạng lưới phòng không của Israel mà còn bắn rất chính xác. Vậy mức độ chính xác của tên lửa Iran là bao nhiêu? Theo trang Avia của Nga, mức độ chính xác của tên lửa Iran là 40%.
Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, đó là căn cứ không quân của Israel rất rộng lớn, có doanh trại, đường băng, nhà chứa máy bay, kho vũ khí, kho nhiên liệu và các cơ sở bảo đảm khác. Tuy nhiên, tên lửa của Iran đã nhắm mục tiêu chính xác vào nhà chứa máy bay và đặc biệt nhắm vào khu vực chứa máy bay chiến đấu F-35.
Trong số các mục tiêu trên, 8 nhà chứa máy bay đã bị bắn trúng chính xác. Không giống như các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 thông thường, chúng không cần phải giấu trong nhà chứa máy bay, mà đỗ ở đường lăn phía ngoài. Chỉ có những chiếc F-35 đậu trong nhà chứa máy bay, để nâng cao khả năng bảo vệ.
Chúng ta cũng biết rằng, khoảng cách đường thẳng giữa Iran và Israel là hàng nghìn km. Từ khoảng cách 1.000 km, tên lửa Iran đã thực sự đánh trúng mục tiêu chính xác. Độ chính xác đáng sợ này, không hề kém cạnh khi so với vũ khí của Israel.
Về các loại tên lửa tham gia cuộc tấn công, Iran vẫn có điều gì đó còn giữ bí mật. Bởi Iran chủ yếu sử dụng tên lửa chiến thuật "Conqueror-110" được cải tiến từ tên lửa "Meteor-3" và không được trang bị đầu đạn chùm. Nếu dùng đầu đạn chùm, tổn thất đối với căn cứ không quân Israel sẽ càng lớn hơn.
Qua cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, cũng cho thấy điểm yếu lớn nhất của Không quân Israel đã lộ rõ. Xét về khả năng tác chiến trên không, Không quân Israel chắc chắn là lực lượng thuộc diện hạng nhất ở Trung Đông. Trong khi loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Iran chỉ là F-14, loại mà Mỹ bán cho Iran cách đây đã 47 năm.
Lực lượng Không quân Iran được đánh giá là “què quặt”, trong khi Không quân Israel thực sự là con “đại bàng hung dữ”. F-35 của Israel đã thực hiện hàng trăm lần xuất kích và là máy bay chiến đấu tàng hình có tỷ lệ tham gia chiến đấu thực tế cao nhất thế giới. Trong chiến tranh trên không, Iran không thể sánh được với Israel.
Tuy nhiên, Israel không thể bảo vệ được sân bay của mình, khi Iran dùng tên lửa đối đầu với F-35 và tiêu diệt nó ngay tại sân bay. Đây là điểm yếu lớn nhất của Không quân Israel. Làm thế nào để Israel bảo vệ sân bay của họ, đây là câu hỏi không hề dễ trả lời?
Khách quan đánh giá, Israel không thể tự mình bảo vệ không phận của mình, bởi vì lực lượng phòng không thực chất là lực lượng phòng thủ, mà phòng thủ tốt nhất là chủ động tấn công. Trong hoạt động phòng không, ai phòng thủ sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Vấn đề khó khăn của Israel, đó là chiều sâu chiến lược quá nhỏ, mục tiêu sân bay quá lớn và không hề có sự che giấu nào cả. Nhưng Iran được bao quanh bởi những ngọn núi và thậm chí sân bay có thể được xây dựng ngay sâu trong núi, nên khả năng giữ bí mật rất cao. F-35, về mặt công nghệ, vượt xa toàn bộ Trung Đông. Nhưng trong trận chiến phòng thủ sân bay, Israel không thể tự vệ được.
Điều này cũng nhắc nhở các quốc gia ở Trung Đông rằng, không có máy bay chiến đấu tàng hình cũng không sao, nhưng họ phải có một nhóm tên lửa chiến thuật khổng lồ. Trong một cuộc đấu tay đôi trên không, bạn không thể đánh bại F-35. Nhưng trong một cuộc đấu tay đôi tên lửa, bạn có thể phá hủy sân bay của kẻ thù và chiếm ưu thế trên không bằng lực lượng mặt đất. (Nguồn ảnh: IRNA, Al Jazeera, Times of Israel, Reuters).