Khi nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm loại khẩu trang này trong vòng 10 ngày đối với 32 người bị nhiễm coronavirus, họ phát hiện ra rằng tất cả những chiếc khẩu trang mà người nhiễm coronavirus đeo đều phát sáng dưới tia UV và ánh sáng này sẽ mờ dần theo thời gian và khi lượng virus trong người nhiễm giảm xuống.
Mẫu coronavirus phát sáng trên lớp vải khẩu trang chiếu dưới tia cực tím sau khi được phun thuốc nhuộm huỳnh quang có chứa kháng thể.
Vào tháng 2/2020, nhóm nghiên cứu trên, do Chủ tịch Đại học Kyoto – Giáo sư Yasuhiro Tsukamoto đứng đầu, đã tiêm một dạng coronavirus không hoạt động và không gây nguy hiểm cho đà điểu cái, chiết xuất thành công một lượng lớn kháng thể từ những quả trứng mà những con đà điểu cái được tiêm coronavirus đẻ ra.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phát triển một bộ lọc đặc biệt được đặt bên trong khẩu trang. Bộ lọc này được phun thuốc nhuộm huỳnh quang có chứa kháng thể coronavirus chiết xuất từ trứng đà điểu. Nếu có coronavirus, bộ lọc sẽ phát sáng khi được chiếu dưới tia cực tím.
Mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học Đại học Kyoto là mở rộng chương trình thử nghiệm với sự tham gia của 150 người. Bản thân GS Tsukamoto đã tự phát hiện ông mắc COVID-19 sau khi đeo một khẩu trang thử nghiệm và khẩu trang đã phát sáng khi soi dưới ánh sáng cực tím. Kết quả xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sau đó đã xác nhận ông mắc COVID-19.
Nhóm nghiên cứu hy vọng những chiếc mặt nạ sẽ cung cấp cho người dùng một cách dễ dàng để kiểm tra xem họ có nhiễm COVID-19 hay không. GS Tsukamoto nói: "Chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt kháng thể từ đà điểu với chi phí thấp. Trong tương lai, tôi muốn biến loại khẩu trang này thành một bộ thử nghiệm dễ dàng mà ai cũng có thể sử dụng".
Với việc tiếp tục thử nghiệm để đưa loại khẩu trang phát sáng khi tiếp xúc với coronavirus vào sử dụng thực tế, nhóm nghiên cứu của GS Tsukamoto đặt mục tiêu đạt được sự chấp thuận của Chính phủ Nhật Bản để có thể đưa loại khẩu trang này ra thị trường vào năm tới.