"Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". |
Đó là nhận định của học giả Olena Lennon trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest. Olena Lennon sinh trưởng ở Horlivka, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine và hiện đang giảng dạy chính sách đối ngoại tại Đại học New Haven (Mỹ).
Cấm các biểu tượng của Liên Xô
Ngày 9/4/2015, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các biểu tượng của Liên Xô, một động thái làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ đất nước. Dự luật này thay thế Ngày Chiến thắng 9/5 bằng Ngày Tưởng nhớ và Hòa giải 8/5. Chính quyền Ukraine cũng hình sự hóa thuật ngữ “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại” và biến nhiều bộ phim, nhiều bài hát và nhiều tác phẩm văn học trở thành bất hợp pháp.
Việc loại bỏ Ngày Chiến thắng 9/5 và phủ nhận sự tồn tại của “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại” là hủy hoại niềm tự hào về chiến tích tập thể vốn từ rất lâu đã là nguồn gốc văn hóa và bản sắc của người dân Ukraine.
Bản sắc dân tộc thường được thể hiện qua nhận thức về quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, người ta thường nhìn vào quá khứ để tìm lại cội nguồn, nhất là khi hiện tại và tương lai trở nên mù mịt.
Đối với nhiều người Ukraine, Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại không phải là sản phẩm của ý thức hệ Liên Xô, mà là biểu tượng của thành tích tập thể hào hùng được xây đắp bằng sinh mạng của tổ tiên họ. Cứ bốn công dân Ukraina thì có một người bị chết trong Chiến tranh thế giới thứ II và gia đình nào cũng phải chịu tổn thương mất mát nhất định. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ Liên Xô, những người sống sót sau chiến tranh đã cống hiến cả cuộc đời để vinh danh những người đã chết và tái thiết đất nước.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 84% người dân Ukraine được hỏi ý kiến có quan điểm tích cực về chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Bị tước bỏ hiện tại và tương lai, người dân ở miền đông Ukraine cần đến quá khứ lịch sử để lấp đầy khoảng trống của hiện tại và sự bất định của tương lai. Chết chóc, tan cửa nát nhà và chiến tranh tàn phá đã gây ra mọi nỗi đau khổ ở miền đông Ukraine.
Hậu quả của hành động "bắn vào quá khứ", chối bỏ lịch sử
Chối bỏ lịch sử cho thấy sự thiển cận và không thức thời của ban lãnh đạo hiện nay ở Kiev.
Đầu tiên, ban lãnh đạo này qui kết tất cả những người sống trong khu vực do phe ly khai kiểm soát là "những kẻ khủng bố" và cắt nguồn tài chính dành cho họ. Tháng 9/2014, Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã hủy bỏ trợ cấp chính phủ cho cư dân sinh sống tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát.
Mọi người ở Donbass cảm thấy bị bỏ rơi, bị sỉ nhục và bị tổn thương mất mát. Hầu hết những người hưởng lương hưu ở miền đông Ukraine đã làm việc cho chính phủ suốt cả cuộc đời, đã đóng góp nhiều cho quỹ hưu trí. Ấy thế mà họ bị tước bỏ quyền lợi chính đáng là nhận lương hưu.
Hành động “bắn vào quá khứ” của Kiev là nguy hiểm vì hai lý do.
Thứ nhất, cư dân ở miền đông Ukraine đang ngày càng xa lánh Kiev và ủng hộ nhiều hơn Cộng hòa Nhân dân Donestk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tự xưng. Điều đó khiến cho chính quyền Kiev khó có thể giành phần thắng trong cuộc chiến đẫm máu này.
Theo Học viện Xã hội học quốc tế ở Kiev, trong tháng 12/2014, chỉ có 15,6% cư dân Donbas (và 11,4 % ở các khu vực phía đông khác) coi DNR và LNR là chính phủ hợp pháp. Vài tháng sau đó, tỷ lệ ủng hộ quân nổi dậy đã gia tăng đáng kể. Trong tháng 3/2015 năm 2015, có đến 43,1% dân số Donbas coi DNR và LNR là hợp pháp, trong khi 38,2 % coi hai thực thể ly khai nói trên là bất hợp pháp và 32% không cho biết chính kiến.
Hơn nữa, cư dân Donbass cảm thấy rằng mục đích của “các hoạt động chống khủng bố” của chính quyền Kiev không chỉ là để tiêu diệt những kẻ khủng bố, mà còn để trừng phạt tất cả những người sống trong các khu vực mà phe ly khai kiểm soát. Tháng 3/2015, có đến 46,3% cư dân Donbas coi hoạt động chống khủng bố của Kiev là biện pháp trừng phạt nhằm vào họ.
Thứ hai, khi tước bỏ bản sắc của người dân, chính phủ Ukraine đã tạo ra một khoảng trống chắc chắn sẽ được lấp đầy bằng thứ khác như chủ nghĩa cực đoan, tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi…
Ở miền đông Ukraine, khoảng trống này càng ngày càng được lấp đầy bởi nỗi nhớ Liên bang Xô viết. Mười năm trước đây, vào năm 2005, chỉ có 25% người miền đông Ukraine mơ ước khôi phục Liên bang Xô viết, trong khi 48% nói không với Liên Xô. Trong năm 2015, 70% cư dân Donbas cảm thấy buồn phiền về sự tan rã của Liên Xô.
Nỗi nhớ Liên Xô đang gia tăng ở miền đông Ukraine và lòng hận thù cũng liên tục được thổi bùng bởi các chính sách mất lòng dân của Kiev.
Đa số người Ukraine ở miền đông không ủng hộ hoạt động quân sự mà ủng hộ giải pháp hòa bình. Ở miền tây và miền trung Ukraine, khoảng 60% không ủng hộ chiến tranh, trong khi ở con số này đông nam Ukraine là 80% và ở Donbas lên đến hơn 90%.
Những số liệu thống kê cho thấy người dân ở miền đông Ukraine muốn chính phủ ở Kiev mang lại cho họ một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng niềm tin này đang ngày càng bị đổ vỡ, khi những gì mà họ phải đối mặt là bị bỏ rơi và hoàn toàn vỡ mộng.