Khinh hạm Đô đốc Gorsshov có thêm tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon: Vô nghĩa?
Theo các chuyên gia quân sự Nga, việc trang bị tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon cho khinh hạm Đô đốc Gorsshov cũng không thay đổi quá nhiều năng lực tác chiến của nó.
Theo Việt Dũng/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh 3M22 Zircon thế hệ mới nhất là loại vũ khí cực kỳ mạnh mẽ của Nga, được quảng cáo là có thể dễ dàng đối phó với toàn bộ biên đội tác chiến tàu sân bay đối phương, tuy nhiên thực tế không phải như vậy.
Cụ thể do phương tiện mang tên lửa Zircon ngày nay chỉ là khinh hạm Đô đốc Gorshkov, con tàu này bị nhận xét là không tương xứng với vũ khí nói trên.
Các chuyên gia quân sự từ chính nước Nga đã tìm thấy một lỗ hổng rất nguy hiểm có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nhanh chóng của tàu và thủy thủ đoàn.
Tạp chí Chuyển phát nhanh Quân sự - Công nghiệp nhận xét, do tầm bắn hạn chế của tên lửa 3M22 Zircon, tàu khu trục cỡ nhỏ của Nga khó có thể tiếp cận nhóm tấn công tàu sân bay đối phương mà không bị chú ý.
“Phạm vi tối đa của tên lửa Zircon là 400 - 600 km. Theo thông tin ban đầu, tên lửa Zircon đang được thử nghiệm trên khinh hạm mới thuộc Dự án 22350 - Đô đốc Gorshkov. Con tàu vẫn là phương tiện vận chuyển tên lửa duy nhất".
"Tuy nhiên, việc tàu mặt nước áp sát tàu sân bay địch ở khoảng cách 600 km để phóng tên lửa siêu thanh là một vấn đề khá nan giải, thậm chí hoàn toàn bất khả thi”.
“Bởi vì trên đường đi, nó sẽ bị phát hiện dễ dàng bởi máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không AWACS E-2 Hawkeye trên tàu sân bay. Tiếp đó hàng không trên hạm sẽ bay lên không trung".
"Trên thực tế, các máy bay trên tàu sân bay thậm chí không cần phải cất cánh bổ sung mà vẫn đảm bảo ngăn chặn thành công kẻ địch”.
“Nguyên nhân bởi vì một phần của phi đội không quân thực hiện các chuyến bay tuần tra liên tục sẽ nhấn chìm tàu khu trục nhỏ Dự án 22350 trước khi nó đến gần với tàu sân bay tại tầm bắn của Zircon", chuyên gia quân sự Nga bình luận.
Ngoài ra còn phải kể tới nhược điểm của radar trinh sát bề mặt không thể hoạt động hiệu quả ngoài đường chân trời vô tuyến điện từ có cự ly 40 - 45 km chứ chưa nói đến việc chẳng có cách nào nhìn nhận mục tiêu từ cự ly vài trăm km.
Còn một phương thức dẫn bắn nữa cho tên lửa Zircon đó là định vị vệ tinh, nhưng công nghệ hiện nay chưa đủ đáp ứng từ khoảng cách xa như vậy, điều này đã được chuyên gia Konstantin Sivkov đề cập nhiều lần.
Trong số những điều khác, các chuyên gia chú ý đến hệ thống phòng không khá yếu của tàu chiến Nga - phạm vi tiêu diệt mục tiêu khí động tối đa là 40 km, và bản thân tên lửa không có khả năng đánh chặn các mục tiêu nhỏ.
Khi đối đầu với cuộc tấn công lớn từ biên đội tiêm kích hạm đối phương, chiến hạm Nga sẽ bị tiêu diệt ngay mà chưa kịp phóng tên lửa Zircon.
Cần lưu ý thêm ở giai đoạn này, những tuyên bố như vậy gây tranh cãi lớn, vì khả năng thực sự của tên lửa Zircon vẫn không được Nga tiết lộ, tuy nhiên chắc chắn là nó vẫn phải tuân theo các quy tắc vật lý cơ bản.