Đó là nhận định của nhà phân tích Edward Luce trong bài viết đăng trên tạp chí Financial Times ngày 20/12/2016.
Theo nhà phân tích Edward Luce, trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump không hề nhắc đến cụm từ "Đài Loan". Bây giờ, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thách thức chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ, một trong những nền tảng của trật tự toàn cầu vốn rất bấp bênh hiện nay.
Với việc bầu chọn tỷ phú Donald Trump làm Tổng thống thứ 45, các cử tri Mỹ dường như đã mở cửa cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới, trong đó Hoa Kỳ không còn mạnh mẽ như trong cuộc Chiến tranh lạnh đầu tiên.
Một trong những lý do khiến Mỹ hòa hoãn với Trung Quốc là nhằm phá vỡ khối các nước xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hòa giải giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông trong năm 1972 gắn liền với sự chia rẽ Trung-Xô và làm suy yếu vị thế toàn cầu của Liên Xô cũ.
Ứng viên tổng thống Donald Trump mạnh mẽ lên án Trung Quốc trong chiến dịch vận động bầu cử. Ảnh Time |
Ông Trump dự kiến làm điều ngược lại. Việc ông mạnh mẽ lên án Trung Quốc gắn liền với đề nghị hòa giải với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện chưa rõ, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhìn thấy những lợi ích chiến lược gì xuất phát từ việc giao dịch với Nga. Nhưng sự đối kháng của ông Trump với Trung Quốc là một canh bạc khá phiêu lưu mạo hiểm.
Né tránh xung đột Mỹ-Trung vốn là một kỹ năng chính trị của Tổng thống Nixon và bộ sậu của ông ta. Donald Trump không phải là Richard Nixon. Nixon vốn là một học sinh giỏi về các vấn đề toàn cầu và khá thành thạo trong việc chi phối bàn cờ địa chính trị. Ở tuổi 70, ông Trump không quan tâm đến việc lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức của mình. Ông bỏ qua các cuộc họp giao ban tình báo hàng ngày dành cho tổng thống vì cho rằng chúng quá ngu si đần độn. Không những thế, trong đám cố vấn của ông Trump không có ai sành sỏi và lọc lõi như Tiến sĩ Henry Kissinger, kiến trúc sư trưởng của chính sách "một Trung Quốc".
Việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chọn cách đối đầu với Trung Quốc là một canh bạc khá phiêu lưu mạo hiểm. Nguy cơ đụng độ Mỹ-Trung cũng gia tăng đáng kể do Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn - bất kể đối với Đài Loan, Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Vậy canh bạc đối đầu với Trung Quốc của ông Trump sẽ mang lại những gì?
Có một điều chắc chắn là quan hệ Mỹ-Trung sẽ leo thang căng thẳng. Ông Trump muốn đưa công việc sản xuất từ Trung Quốc trở lại nước Mỹ và muốn Bắc Kinh phải có những nhượng bộ - chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu tự nguyện như Nhật Bản hồi cuối những năm 1980. Ông Trump đang sử dụng việc thách thức chính sách "một Trung Quốc" như một đòn bẩy. Chỉ có điều đòn bẩy này sẽ phản tác dụng. Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng việc siết chặt hơn nữa đối với các nhà đầu tư Mỹ vốn khiếu nại về lợi nhuận ngày càng ít đi và vấn nạn trộm cắp bản quyền ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.
Một khi tranh chấp Mỹ-Trung xảy ra, nguy cơ xung đột sẽ gia tăng. Trung Quốc sẽ tìm cách thử thách quyết tâm của ông Trump ngay vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông, mạnh mẽ hơn việc bắt giữ một tàu ngầm không người lái (UUV) của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Điều này cũng tương tự như việc Bắc Kinh “nắn gân” Tổng thống George W. Bush trong năm 2001, khi buộc một máy bay do thám của Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguy cơ gia tăng xung đột Mỹ-Trung hiện nay cao hơn nhiều, do Trung Quốc hiện quyết đoán hơn gấp bội so với năm 2001. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện cũng lớn hơn rất nhiều so với năm 2001. Trung Quốc có mưu đồ triển khai các đơn vị tên lửa ở các “đảo nhân tạo” mà nước này đã bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Liệu Tổng thống Donald Trump có kỹ năng xử lý một cuộc khủng hoảng? Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có đứng ra làm trung gian hòa giải giữa một nước Mỹ đang lui về phòng thủ và một Trung Quốc đang ngày càng lấn tới?
Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Những gì mà người ta đã biết là cố vấn thân cận nhất của ông Trump là một người coi Trung Quốc là kẻ thù "một mất, một còn".