Một sự cố nghiêm trọng liên quan đến việc tàu tuần tra Indonesia bắt giữ thuyền đánh cá Trung Quốc ngày 20/3 ở Biển Đông, tại vùng biển gần quần đảo Natuna, đã dẫn đến tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Jakarta và Bắc Kinh.
Việc tàu Hải cảnh hộ tống tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển của Indonesia sẽ khiến cho tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng. |
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra đối đầu Trung Quốc-Indonesia ở Biển Đông. Vụ việc gần đây cần được đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ từ lâu và chỉ là một bước phát triển mới của tình trạng đối đầu Trung Quốc-Indonesia trên Biển Đông.
Liên quan đến “sự cố ngày 20/3”, phía Indonesia nói rằng tàu Hải cảnh Trung Quốc “đã dùng vũ lực giải cứu” một thuyền đánh cá Trung Quốc (mang tên Kway Fey 10.078), sau khi nó đã bị phía Indonesia chặn bắt vì tội đánh cá trái phép gần quần đảo Natuna. Đáp lại, Indonesia triệu tập các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối và tuyên bố các ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ trong vụ việc nói trên sẽ bị truy tố theo pháp luật Indonesia. Về phần mình, phía Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia thả số ngư dân nói trên.
Đối với nhà quan sát chính sách đối ngoại của Indonesia, vụ việc này chỉ là một biểu hiện leo thang căng thẳng vốn đang nung nấu giữa hai nước.
Từ lâu, Jakarta đã không hài lòng trước tình trạng đánh bắt cá trái phép của ngư dân các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, ở vùng biển của Indonesia và coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền, đánh cắp tài nguyên biển của nước này.
Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna giàu tài nguyên đặc của nước này đã bị cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xâm lấn.
Diễn biến ở cả hai bên trong vài năm qua đã đặt nền móng cho sự leo thang căng thẳng, dẫn đến sự cố tương tự như vụ bắt giữ và giải cứu tàu cá Kway Fey 10078. Trung Quốc đã mở rộng tập trận hải quân và tuần tra ở các vùng cực nam của cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (“đường lưỡi bò”), sát với vùng biển Indonesia và nhiều lần đối đầu trực tiếp với các tàu của Indonesia.
Trong năm 2010, khi tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta, Bắc Kinh đã phái một tàu thực thi pháp luật hàng hải (MLE), chĩa súng máy vào tàu Indonesia và buộc tàu này thả tàu cá Trung Quốc . Tương tự, hồi tháng 3/2013, khi các giới chức Indonesia lên một tàu Trung Quốc với lý do tương tự và bắt 9 ngư dân lên bờ để làm thủ tục tố tụng pháp lý, thuyền trưởng tàu Indonesia đã buộc phải thả số ngư dân nói trên trước sự đe dọa của các tàu thực thi pháp luật (MLE) Trung Quốc.
Vụ giải thoát tàu cá 20/3 là vụ đụng độ trên biển Trung Quốc-Indonesia đầu tiên dưới thời Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo, người lên nắm quyền ở vào năm 2014. Tổng thống Jokowi đã xa rời cách tiếp cận truyền thống của Indonesia đối với Biển Đông, trong đó nhấn mạnh sự cân bằng giữa việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ trên cương vị một quốc gia không tranh chấp Biển Đông và tạo điều kiện xây dựng lòng tin giữa các bên trực tiếp tranh chấp. Thay vào đó, tân Tổng thống Indonesia tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia và là nhà đầu tư quan trọng.
Nhưng lập trường cứng rắn của chính phủ của Tổng thống Jokowi về vấn đề chủ quyền và chống tàu thuyền nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp tất yếu sẽ dẫn đến đụng độ Indonesia-Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện hải quân ở phía nam Biển Đông, sát vùng biển của Indonesia.
Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng chính quyền Jokowi cũng đã đánh chìm tàu cá Trung Quốc đầu tiên trong cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép. Thông qua hành động cứng rắn này, chính phủ Jokowi đã phát tín hiệu rằng Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thậm chí với cả đối tác kinh tế quan trọng nhất là Trung Quốc.
Về vụ “đánh tháo tàu cá” của tàu Hải cảnh Trung Quốc, Bộ trưởng thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti nói với các phóng viên sau cuộc gặp với các quan chức đại sứ quán Trung Quốc rằng Jakarta có thể đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế. Đây sẽ là một diễn biến đáng chú ý, nhất là khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) sắp phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ngang nhiên thâu tóm Biển Đông.
Trong khi đó, Phó Tư lệnh Hải quân Indonesia, ông Arie Henrycus Sembiring, nói với trước cuộc họp báo rằng Hải quân Indonesia sẽ đưa tàu chiến lớn hơn để bảo vệ các tàu tuần tra ở Biển Đông, một động thái có khả năng làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng là liệu Jakarta có theo đuổi đến cùng vụ việc nói trên? Liệu chính phủ Jokovi có thay đổi cách tiếp cận về Biển Đông nói riêng và cách tiếp cận với Trung Quốc chung.
Đáng nói là Trung Quốc đã trở nên ngày càng quyết đoán hơn trong lĩnh vực hàng hải, còn Indonesia cũng kiên quyết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi riêng của nước này.
Bất kể kết cục của “sự cố ngày 20/3” ra sao, có một điều chắc chắn là vụ tàu Hải cảnh đánh tháo tàu cá Trung Quốc nói trên sẽ khiến cho đối đầu sẽ ngày càng gia tăng ở Biển Đông.
Video Mỹ đem tàu chiến tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa (Nguồn VTC):