Sau 12 năm, 6.000m2 đất vàng Hai Bà Trưng về tay cá nhân
Trong các sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa, dự án đất vàng 4 mặt tiền rộng 6.000m2 tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) được đánh giá là sai phạm nghiêm trọng.
Khu đất Hai Bà Trưng gây thất thoát nghiêm trọng cho Nhà nước. |
Theo đó, năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, Bộ Công nghiệp (cũ) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.
Năm 2007, UBND TP HCM chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu phức hợp nhưng nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Từ 2007 đến 2014, Sabeco thành lập 2 công ty thay nhau để thực hiện dự án với sự đồng ý của Bộ Công Thương.
Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng đồng ý cho Sabeco thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl để thực hiện dự án với 5 thành viên gồm: Sabeco, Công ty cổ phẩn Attland, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh.
Nhóm này điều chỉnh lại dự án từ án "xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị - hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê" thành "đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ bán". Tức có thêm căn hộ bán kiếm lời.
Đáng nói, năm 2016, Sabeco thoái vốn bằng cách bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỷ đồng. Năm 2018, các cổ đông còn lại cũng thoái vốn. Dự án cuối cùng rơi vào tay 3 cá nhân hưởng lợi.
Như vậy, trong 12 năm, dự án đất vàng Hai Bà Trưng do ông Vũ Huy Hoàng, vai trò là Bộ Trưởng Bộ Công Thương đồng ý, giám sát cho Sabeco đầu tư đã không còn gì, gây thất thoát nghiêm trọng cho Nhà nước.
Nhiều sai phạm thanh toán tại dự án gang thép Thái Nguyên
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II là phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Công Thương cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan khác đã có những khuyết điểm, sai phạm.
Báo cáo thể hiện, dự án giai đoạn 2 của TISCO có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng. Đến năm 2012, Chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tăng 4.261 tỷ đồng so với mức ban đầu.
Dự án Gang thép Thái Nguyên. |
Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ đồng, tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu.
Tuy nhiên, dự án vẫn đang dở dang và đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay.
Hơn nữa, chủ đầu tư TISCO đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Ngoài ra, còn thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán các khoản bốc xếp bảo quản thiết bị gần 5 tỷ đồng, vượt với giá trị hợp đồng.
Trong khi đó, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam.
Vụ lợi trong bổ nhiệm nhân sự
Theo các báo cáo kiểm tra về nhân sự của Bộ Nội vụ và Ủy Ban kiểm tra Trung ương, nhiều trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định tại Bộ Công Thương trong giai đoạn ông Vũ Huy Hoàng ngồi ghế Bộ trưởng.
Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Dù trước đó Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT làm ăn kém, mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt...
Ông Vũ Huy Hoàng bỏ qua nhiều sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. |
Một lần nữa bỏ qua các sai phạm, ông Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Đồng thời, ông Vũ Huy Hoàng thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra, vụ bê bối về bổ nhiệm nhân sự khác của ông Vũ Huy Hoàng và bị đánh giá là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải.
Người ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải về Sabeco chính là Thứ trưởng tại thời điểm đó là bà Hồ Thị Kim Thoa, người vừa bị khởi tố cùng thời điểm với ông Vũ Huy Hoàng.