Chị Nguyễn Phương Thảo ở tập thể FaFilm, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã suýt chết chỉ vì ám ảnh cân nặng và lúc nào cũng tìm mọi cách để giảm trọng lượng của mình".
Theo lời chị Thảo, chị cao 1m55 nhưng thuộc tạng người dễ béo, dễ tăng cân. Thời còn sinh viên mặc dù ở kí túc xá cơm không có ăn mà chỉ ăn mì tôm cân nặng vẫn tăng đều. Chưa lúc nào cân nặng của Thảo dưới mức 55kg.
Thảo đã thử rất nhiều cách từ nhịn cơm, không ăn thịt, uống thuốc giảm béo, đi tập erobic đều không hiệu quả. Thậm chí có đợt, tôi đi tập erobic tập mệt nhưng về lại ăn nhiều cơm hơn, cân nặng đội lên tới 60kg, béo ục ịch rất khó coi. Cũng chỉ vì thừa cân mà đến 27 tuổi vẫn không có anh chàng nào tán tỉnh chứ đừng nói mảnh tình vắt vai.
Uống dấm giảm cân là hại chính mình. |
Thảo chia sẻ: “Sau một lần bị một bạn trai mà em thích nói thẳng rằng em là cái loại vừa lùn vừa béo vừa xấu có ma nó thèm. Tổn thương lòng tự trọng ghê gớm em mới quyết tâm bằng mọi cách phải giảm cân bằng được để họ sáng mắt ra. Nhưng nào ngờ chỉ vì mong giảm cân thật nhanh, thật nhiều mà em phải lãnh hậu quả.
Nghe lời người ta khuyên là giảm ăn cơm, và nhịn cơm uống dấm hàng ngày mỗi bữa uống nửa cốc dấm sẽ giảm cân được 5-6kg/tháng. Và tôi thực hiện đúng lời khuyên 2 ngày đầu thì giảm ăn và uống dấm sau đó nhịn luôn bữa tối còn dấm thì vẫn uống đều 3 bữa/ngày.
Mấy ngày đầu uống dấm rất khó chịu, dấm chua gắt, bụng đói lúc nào cũng sôi ùng ục, cơ thể mệt mỏi bải hoải, cứ ngửi thấy mùi lạ là muốn ói ra. Nhưng vì mục tiêu giảm cân bằng được tôi vẫn cứ uống. Uống được nửa tháng thì tôi cũng gần như không ăn cơm nữa thức ăn chính là dấm chua. Cơ thể cũng gầy sụt đi, đang từ 57kg giảm được 5kg.
Rất mừng nên dù rất khó chịu tôi vẫn uống dấm liên tục. Lúc này cơ thể đã quen với vị chua gắt mùi khó chịu của dấm và sự thiếu cơm trong người nhưng bụng thì lúc nào cũng ọc ạch, nhất là sau mỗi lần uống dấm thi rất xót, buốt, khó chịu.
Vài ngày sau đó thì tôi đau bụng dữ dội, nôn ra toàn dấm chua và phải nhập viện. Bác sĩ kết luận cơ thể tôi bị suy nhược, dạ dày xuất huyết nguyên nhân là do dấm. Nằm điều trị ở viện hơn 1 tuần và dưỡng sức ở nhà thêm 2 tuần nữa vẫn không hồi sức. Cơm, cháo, đồ bổ gì cũng không muốn ăn và không ăn được. Chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn là dạ dày cộn lên và lại nôn ra ngoài. Và cân nặng cứ thế tụt không phanh. Hơn 2 tháng sau tôi vẫn bị di chứng của gần 1 tháng tròn nhịn cơm uống dấm giảm béo. Người sụt xuống còn 42kg xơ xác héo hon, da khắp người đen sạm, nhăn nheo như bà già vì giảm cân quá đột ngột.
Không chỉ Thảo dại dột uống dấm với hi vọng giảm cân nhanh chóng mà nhiều chị em phụ nữ khác cũng tin tưởng vào phương pháp vô lý này và chuốc họa vào thân.
Chị Nguyễn Hồng Anh ở Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội cũng là một nạn nhân của sự dại dột trên. Thậm chí Hồng Anh còn gây hại cả cho đứa con nhỏ của mình.
Hồng Anh cũng vì muốn giảm cân thật nhanh trước khi cưới để mặc váy cô dâu cho đẹp nên đã nhịn ăn và uống dấm để giảm béo. Thay vì ăn cơm Hồng Anh chuyển sang ăn miến dong nấu mộc nhĩ hoàn toàn và ngày 3 bữa uống 1 cốc dấm. Kết quả sau gần nửa tháng cô cũng giảm cân được 5kg như ý muốn mà không biết rằng trong thời gian uống dấm cô đã mang bầu.
Theo lời Hồng Anh, cưới chồng xong mãi không thấy "chu kỳ", thử mới biết đã mang bầu sang tháng thứ 3. Thai rất yếu, phát triển chậm và có nguy cơ dọa sẩy. Lúc này cô mới giật mình té ngửa hóa ra trong thời gian uống dấm nửa tháng trời thì con cô cũng uống dấm để lớn lên. Sau này mặc dù giữ được thai nhưng cô ăn uống tẩm bổ thế nào cũng không tăng cân được. Bụng bầu 6 tháng mà bé xíu chỉ như người khác bầu 4 tháng. Em bé sinh ra được 2,5kg còi cọc bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.
Giống Thảo và Hồng Anh hiện nay có nhiều chị em phụ nữ vẫn tin tưởng mù quáng vào phương pháp giảm cân bằng cách uống dấm mà không biết rằng mình đang tự làm hại chính mình.
Giấm là một loại gia vị, kích thích ngon miệng khi ăn với một lượng nhỏ. Nhưng những người lạm dụng nó, sử dụng để giảm cân thì giấm rất độc.
Giấm ăn là axit acetic, khi đưa vào cơ thể một lượng lớn, đều đặn sẽ khiến dạ dày, đường ruột bị bào mòn. Nó cũng giết chết các men tiêu hóa, làm người không còn muốn ăn. Tùy theo người uống nhiều hay uống ít mà sẽ có mức độ ngộ độc khác nhau. Nếu uống nhiều sẽ làm cho độ pH trong cơ thể giảm, sẽ tác động lên thần kinh, làm hại dạ dày, phổi, thận...
(Tổng hợp)