Khung giờ người lái xe không được sử dụng còi trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám chữa bệnh trừ xe ưu tiên theo khoản 2 Điều 21 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025. Cụ thể:
Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Đây cũng là quy định được quy định hiện nay tại khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm: Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của luật này.
Ảnh minh hoạ/ internet |
Đồng thời, Điều 21 Luật Trật tự, an toàn giao thông cũng quy định các trường hợp được sử dụng còi khi tham gia giao thông gồm: Báo hiệu xuất hiện tình huống mất an toàn giao thông. Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Mức phạt lỗi sử dụng còi xe sai quy định đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 05h ngày hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Ngoài quy định về bấm còi, Điều 8 còn liệt kê nhiều hành vi khác bị cấm trong giao thông đường bộ, như phá hoại cơ sở hạ tầng giao thông, đặt chướng ngại vật trái phép, sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đua xe trái phép, và điều khiển phương tiện khi có chất ma túy hoặc nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Các quy định này nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn cho tất cả người tham gia giao thông, và duy trì trật tự xã hội.
Luật sư Tô Thị Phương Dung, công ty Luật Minh Khuê cho hay, chiếu theo quy định này, hành vi bấm còi xe ô tô trong khu đô thị sau 2h là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Điều này áp dụng cho tất cả các loại xe, trừ những xe được quyền ưu tiên như xe cứu hỏa, xe cứu thương hoặc các phương tiện khác đang làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ quy định này không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống yên tĩnh cho người dân mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, giảm thiểu tiếng ồn không cần thiết trong đô thị, đảm bảo an toàn và trật tự giao thông.
Như vậy, tài xế cần đặc biệt lưu ý để không vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người vi phạm nồng độ cồn thông chốt CSGT bất thành: