Không xây chung cư cao tầng ở trung tâm HN: Quận nào trong tầm ngắm?

Theo KTS Trần Huy Ánh, 4 quận nội thành đã được mặc định gọi là trung tâm TP Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Không xây chung cư căn hộ cao tầng trong trung tâm là vấn đề cần phải làm quyết liệt.

Để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP HCM, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp khắc phục, giảm ùn tắc giao thông khu vực đô thị.
Nhiều giải pháp được đưa ra thực hiện đồng thời như: tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại như cầu vượt, hầm chui, phát triển các khu đô thị vệ tinh, bố trí lại lực lượng dân cư lao động để giảm áp lực cho các thành phố lớn. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, một trong những giải pháp là tới đây sẽ không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ cao tầng khu vực trung tâm.
Tình tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đã trở nên vô cùng cấp bách. Ảnh phố Giảng Võ.
 Tình tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đã trở nên vô cùng cấp bách. Ảnh phố Giảng Võ.
Trên thực tế, vấn đề xây dựng chung cư cao tầng được đưa ra thảo luận nhiều lần. Đa phần các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đều ủng hộ việc hạn chế xây dựng chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm, để giảm áp lực cho hạ tầng.
Trước nội dung chỉ đạo “không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng khu vực trung tâm” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội nhận định: “Tôi cho rằng đây là quyết định kịp thời. Bởi, tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, luôn bị sức ép đầu cơ bất động sản trong nội đô, khai thác triệt để quỹ đất xây dựng chung cư. Những sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ là bài toán chủ động về quy hoạch”.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, thực tế, những tính toán làm giảm dân nội thành và giãn dân chưa đạt hiệu quả. Trong khi đó hạ tầng nội đô cũng không có cơ hội được mở rộng phát triển hơn nữa. Và, nếu những khu đô thị, nhà cao tầng được triển khai ở trung tâm sẽ làm tăng áp lực, đưa hạ tầng, chất lượng cuộc sống vào những bế tắc.
“Không phát triển xây chung cư căn hộ cao tầng trong trung tâm thời điểm này cũng là vấn đề cần phải làm quyết liệt, quyết tâm. Đây cũng là dịp nhắc lại nhiệm vụ của TP, nghiêm túc thực hiện quy hoạch chung trước đó. Nhiệm vụ này không phải là mới mẻ, do đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể chủ động thực hiện được”, KTS Trần Huy Ánh nói.
Chia sẻ thêm về nội dung này, KTS Trần Huy Ánh cho biết, 4 quận nội thành đã được mặc định gọi là trung tâm của TP Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là những quận được phát triển từ trước năm 1954, trước cả quy hoạch tổng thể Hà Nội năm 1998 và năm 2011.
khong xay chung cu cao tang o trung tam ha noi: quan nao trong tam ngam? hinh anh 2
Hạn chế xây dựng chung cư căn hộ cao tầng ở trung tâm Hà Nội được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông.
Trước đó, Ngày 16/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng triệu tập cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý tốt quy hoạch đô thị, “chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra”.
Theo Thủ tướng, chung cư “tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc” và cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
“Trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nói và đồng tình với việc Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực trong nước để không làm tăng nợ công.
Về vấn đề này, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có Công văn 4280 gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị 4 khu vực đặc thù, không xây dựng cao tầng gồm: Khu trung tâm chính trị Ba Đình; khu phố cổ; khu hồ Gươm và phụ cận; khu Thành cổ.
Bên cạnh đó còn có 5 khu vực cần "kiểm soát đặc biệt", hạn chế xây dựng nhà cao tầng. Thành phố Hà Nội cũng sẽ kiểm soát nhà cao tầng theo dạng lòng chảo, cao tầng phía ngoài đường vành đai 2 và thấp dần vào trung tâm..
Đặc biệt, tháng 12/2009, Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng ngay việc xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm TP Hà Nội.
Tiếp đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện ngừng cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Tuy nhiên, thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm không được cải thiện và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các dự án cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng tại các quận trung tâm và đang lan rộng ra các quận nội thành khác như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông...