* Đồng Nai: Giai đoạn 2 dự án KCN Hố Nai có vi phạm giấy phép xây dựng?
* Khu công nghiệp Hố Nai và câu chuyện vướng mắc dự án giai đoạn 2
CTCP Khu công nghiệp Hố Nai (Honiz) tiền thân là Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Hố Nai, thành lập ngày 23/7/2001. Ngày 23/2/2005, Công ty chuyển đổi thành CTCP Khu công nghiệp Hố Nai với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn năm 2016, vốn điều lệ của Hố Nai đã tăng lên 75 tỷ.
Cổ đông sáng lập của Khu công nghiệp Hố Nai gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - GVR (51%), Công ty Cao su Phú Riềng (4,6 tỷ), Công ty TNHH Minh Thuận Phát (4,6%), CTCP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai, Công ty Tài chính Cao su (2,76%), ông Huỳnh Thanh Xuân (5,08%), ông Thái Minh Quang (2,53%).
Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2021, với vốn điều lệ 75 tỷ đồng, cổ đông lớn của Hố Nai không có tổ chức nào, mà chỉ toàn cá nhân gồm ông Huỳnh Đức Tấn (23,52%), bà Dương Thị Kiều Anh (10,55%), ông Lê Đức Quỳ (20,29%) và bà Nguyễn Thị Trang (15,26%), còn lại là các cổ đông khác.
Cơ cấu cổ đông Hố Nai tại thời điểm cuối năm 2021 |
Trong năm 2023, Khu công nghiệp Hố Nai tăng vốn gấp đôi lên 300 tỷ đồng sau khi phát hành 15 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:1. Doanh nghiệp không công bố cơ cấu cổ đông lớn sau đợt phát hành này.
Hoạt động kinh doanh của Khu công nghiệp Hố Nai chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Năm 2020, Hố Nai còn mở rộng kinh doanh sang mảng khai thác cao su. Do đó, Hố Nai có 2 công ty liên kết là CTCP Khu công nghiệp Dầu Giây và CTCP Cao su Dầu Tiếng Campuchia tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,5% và 2% tại thời điểm cuối năm 2020.
Chưa dừng lại ở đó, trong nửa đầu năm 2024, Khu công nghiệp Hố Nai liên tục xuống tiền gom mua cổ phiếu của CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) và tăng nắm giữ lên 13,74% vốn, tương ứng 2,64 triệu cổ phiếu. Như vậy, hiện Khu công nghiệp Hố Nai và người có liên quan (Thành viên HĐQT Lê Trung Đức) đang nắm giữ tổng cộng hơn 20,81% vốn TNC, tương ứng hơn 4 triệu cổ phiếu.
Tháng 7/2018, Khu công nghiệp Hố Nai lên sàn chứng khoán với mã HIZ, tuy nhiên vào cuối năm 2021, cổ phiếu này đã nhanh chóng rời sàn do công ty hủy tư cách công ty đại chúng.
Khu công nghiệp Hố Nai |
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 Khu công nghiệp Hố Nai đạt đỉnh về lợi nhuận sau thuế với gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ tiêu này nhanh chóng đi xuống trong năm 2023 còn gần 42 tỷ đồng, giảm mạnh 30%. Nguyên nhân vừa do doanh thu sụt giảm, vừa do gánh nặng chi phí lãi vay (ngốn tới 28,5 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm trước).
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Hố Nai tăng thêm hơn 800 tỷ, lên 3.409 tỷ đồng. Trong đó, tăng vọt mạnh nhất là khoản mục tiền mặt gấp 17 lần đầu kỳ. Chứng khoán kinh doanh cũng tăng 48% lên 153 tỷ đồng. Hố Nai cũng đang ghi nhận hơn 839 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 8% lên 1.064 tỷ đồng, chủ yếu do phải thu về cho vay ngắn hạn vọt gấp 4,3 lần lên 382 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 788 tỷ đồng chủ yếu nhờ tăng các khoản phải thu.
Đặc biệt, kỳ này Hố Nai phát sinh tới gần 553 tỷ đồng đầu tư vào công ty con. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong năm 2023 của Hố Nai âm nặng 904 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Hố Nai cũng tăng mạnh 33% lên 3.003 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng khoản mục phải trả ngắn hạn khác (1.039 tỷ đồng) và tăng vay nợ tài chính dài hạn lên 331 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Hố Nai ở mức 405 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu.
(Còn tiếp)…
Liên quan đến việc giai đoạn 2 dự án Khu công nghiệp Hố Nai do CTCP Khu công nghiệp Hố Nai làm chủ đầu tư đang xây dựng hạ tầng nhiều đoạn đường chưa rõ có đúng quy định của pháp luật hay không mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh ở kỳ trước. Thời gian qua, chúng tôi đã liên hệ với Khu công nghiệp Hố Nai song chưa nhận được câu trả lời về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc ở kỳ sau.