Châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ tấn công khủng bố dùng xe tải đâm vào chợ Giáng sinh ở Tây Berlin tối 19/12/2016, làm 12 người chết và 48 người bị thương.
Biểu ngữ "Chiến tranh nảy sinh nhiều khủng bố" tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 19/12 ở thủ đô Berlin. Ảnh Reuters |
Với đa số báo chí Pháp, khủng bố Hồi giáo cực đoan giờ không còn là chuyện riêng của một nước nào. Các tờ báo đều dành bài xã luận để bày tỏ quan điểm về vụ tấn công khủng bố ở Berlin.
Báo La Croix nhận định: “Berlin bị đánh giữa tim - sau Nice, Paris, Bruxelles, Luân Đôn, Madrid…. Châu Âu giờ là trọng tâm của các kế hoạch khủng bố”.
Xã luận của Le Figaro viết: “Cái gì đó đã thay đổi từ tối Thứ Hai (19/12) ở châu Âu...Chưa bao giờ trong lịch sử gần đây, nước Đức rộng lớn bị đánh như vậy. Lần này nước Đức là nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố lớn do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiến hành”.
Theo Le Figaro, sự kiện ngày 19/12 chắc chắn sẽ khiến người Đức không còn ngây thơ nghĩ rằng khủng bố lớn không đụng đến họ, chính phủ của bà Angela Merkel không còn “hồn nhiên” trong chính sách nhập cư rộng lượng bao dung nữa.
Xã luận Le Figaro kết luận: “Khủng bố Hồi giáo không còn là vấn đề của nước Đức, hay của nước Pháp. Đó là việc một nền văn hóa, một thế giới, một nền văn minh đang bị nhằm đánh”.
Không được “mạnh ai, nấy lo”
Tuy nhiên các báo cũng có chung một quan điểm là không nên vì phải đối phó với khủng bố mà mỗi nước lại co mình lại, đưa vấn đề kiểm soát biên giới trở lại, mỗi nước “mạnh ai, nấy lo”.
Xã luận Libération nêu rõ: “Ở Mỹ (nước vẫn giữ nguyên biên giới), ở Anh (nước được bảo vệ bằng biển xung quanh) hay ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kenya, Thái Lan (những nước có đường biên giới khép kín)... khủng bố vẫn xảy ra. Vì thế đặt vấn đề nghi ngờ tính thống nhất của Liên minh Châu Âu và xem lại việc kiểm soát biên giới chỉ là một thứ bung xung mị dân đánh lạc hướng dư luận”.
Cùng quan điểm với Libération, xã luận Le Monde khẳng định: “Khép mình lại là hão huyền, là một ảo tưởng nguy hiểm. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo phải thông qua tăng cường hợp tác giữa các thành viên chứ không phải bằng sự phân rã Châu Âu…”
Cuộc sống vẫn tiếp tục ở nước Đức
La Croix nhận định “sau cơn sốc, nước Đức bước vào kỷ nguyên mới”. Theo tờ báo, cuộc sống vẫn phải tiếp tục ở Berlin. Hơn 60 khu chợ Giáng sinh bị đóng cửa ngày 20 đã được mở lại, các lễ hội đón năm mới theo dự trù vẫn được tiến hành, nhưng được đặt dưới sự kiểm soát cao độ. Toàn bộ hệ thống an ninh sẽ được rà soát, tăng cường.
Thủ tướng Đức Angela đang phải chịu áp lực chính trị lớn sau vụ tấn công khủng bố này. Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là đến ngày bầu Quốc hội Đức, trong đó bà Angela Merkel ra ứng cử nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 4. Thảm kịch Berlin sẽ khơi dậy nhiều tranh luận đặc biệt về chính sách đón tiếp người nhập cư tị nạn của chính phủ Đức hiện nay.