Khủng hoảng Nga-Ukraine: Hé lộ diện mạo mới của tuần duyên Nga
Cuộc đối đầu gần đây giữa Nga và Ukraine trên biển Azov đã đưa lực lượng tuần duyên Nga, vốn bị xem là ít được để ý, vào tâm điểm chú ý.
Tuần duyên Nga là một thành phần trong lực lượng biên phòng. Trong lần tái cơ cấu tổ chức vào năm 2003, lực lượng biên phong được sáp nhập vào cơ quan An ninh liên bang (FSB). FSB “kế tục” cơ quan an ninh KGB có từ thời Liên Xô để trở thành một cơ quan quan trọng, phụ trách tình báo nội địa, an ninh của Nga.
Tuy nhiên, biên phòng là lực lượng lẫy lừng trong lịch sử nước Nga, với ngày truyền thống vào 28/5 hằng năm. Tuần duyên Nga do đó là một lực lượng vừa thi hành pháp luật, vừa như một cơ quan tình báo, cho dù gốc rễ là chấp pháp trên biển. Sự kiện tàu tuần duyên Nga đâm tàu hải quân Ukraine trên eo biển Kerch cho thấy lực lượng này có thể có tầm kiểm soát lớn hơn trước. Thêm nữa, việc hỗ trợ từ không quân trong vụ việc này cho thấy có vẻ đã có sự phối hợp giữa FSB và quân đội, theo nhận định của tạp chí quân sự Warisboring.
|
Tàu tuần duyên của Biên phòng Nga. |
Sự kiện ở Kerch cũng đánh dấu sự phát triển của lực lượng tuần duyên sau 15 năm nhập vào FSB. Đây cũng là tiền đề cho việc sử dụng lực lượng này trong tương lai ở những vùng biển “nóng”, đặt ra câu hỏi về việc Mỹ và NATO sẽ đối đầu ra sao đối với lực lượng tuần duyên Nga.
Theo một số nhà quan sát phương Tây, sự kiện eo biển Kerch phản ánh một phương thức mới trong việc sử dụng lực lượng tuần duyên, cũng gần giống như khi Trung Quốc hoặc Iran sử dụng lực lượng bán quân sự hay cảnh sát biển.
Theo học giả Mỹ Conor Kennedy, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tuần duyên hay dân quân rất hiệu quả nhằm khẳng định sự hiện diện, tiến hành quấy rối và phá hoại, đi kèm hoặc tạo ra tiền đề cho các hành động quân sự, thu thập thông tin tình báo.
Còn Iran, trong khi sử dụng các tàu quân sự nhỏ quấy rối tàu hải quân Mỹ, Tehran còn có chiến thuật sử dụng lực lượng cảnh sát biển để đa dạng hóa phương thức sử dụng vũ lực. Và rất có thể Nga cũng dùng lực lượng tuần duyên để thực thi nhiệm vụ tương tự trên eo biển Kerch.
Vì sao lại là tuần duyên, mà không phải là hải quân? Theo kiến giải của tác giả Rebecca Pincus, giảng viên Học viện Hải quân Mỹ trên Warisboring, sử dụng Hải quân Nga phong tỏa eo biển Kerch có thể xung đột leo thang bởi đây là cuộc đụng độ giữa hai quân đội. Sử dụng tuần duyên Nga biến đây trở thành vấn đề chấp pháp thay vì một hành động chiến tranh quân sự.
Sử dụng lực lượng tuần duyên, Nga có thêm những lựa chọn trong việc xử lý tình hình ở biển Azov và nhiều nơi khác. Đó có thể là biển Barents, nơi có các hoạt động đánh cá của ngư dân Nga và Na Uy.
|
Cảnh tàu tuần duyên Nga đâm tàu kéo hải quân Ukraine. |
Tuy nhiên, hải quân Na Uy và hải quân Nga cùng lực lượng tuần duyên cho tới nay phối hợp hoạt động khá hiệu quả.
Và tuần duyên cũng vẫn là lĩnh vực đang có sự phối hợp tốt giữa các nước NATO và Nga. Thậm chí tuần duyên Mỹ, Canada và Na Uy, tất cả đều phải phối hợp với tuần duyên Nga trong nhiều vấn đề an ninh mềm như đảm bảo các hoạt động đánh cá diễn ra đúng pháp luật, phản ứng khi có sự cố tràn dầu, các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn…
Dù xét theo quan điểm nào thì sự kiện đâm va và bắt giữ tàu hải quân của Ukraine cho thấy tuần duyên Nga nay có vai trò quan trọng hơn trước rất nhiều.