Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2016, theo báo cáo này, số tiền “khủng” nợ vay ngắn và dài hạn vẫn đang là gánh nặng cho Tập đoàn này.
Bầu Đức sẽ tiếp tục bán các tài sản để cân bằng dòng tiền? (Ảnh: IT) |
Hàng loạt tài sản “đội nón ra đi”
Mới đây nhất, Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) đã xác nhận mua lại chiếc máy bay Beechcraft King Air350 của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và đang làm thủ tục xin cấp chứng chỉ người khai thác tàu bay để đưa vào khai thác thương mại. Tuy giá bán chiếc King Air350 không được tiết lộ nhưng có nhiều nguồn thông tin về giá chiếc King Air350 đã qua sử dụng trên thế giới sẽ có giá khoảng 4,5 triệu USD.
Song, chiếc King Air350 của bầu Đức đến thời điểm hiện tại đã qua sử dụng 11 năm nên mức giá có đạt 4,5 triệu USD hay không vẫn là một dấu chấm hỏi.
Trước đó, Tập đoàn HAGL cũng cho biết đã chấm dứt quyền vận hành, quản lý kinh doanh đối với nhà máy đường, nông trường mía và các tài sản liên quan thuộc nhóm công ty mía đường cho một bên thứ ba từ ngày 31.8.2016. Thương vụ này đến thời điểm hiện tại vẫn đang được tiến hàng các thủ tục chuyển nhượng. Dù vậy, giá trị chuyển nhượng được dự báo vào khoảng 1.026 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL cũng đang tiến hành thương thảo bán đi một phần các dự án thủy điện do Tập đoàn này đang sỡ hữu tại Lào.
Có lẽ hàng loạt các thông tin trên khiến cho hai mã cổ phiếu của bầu Đức là HAG (Công ty CP HAGL) và HNG (Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL) thời gian qua tăng mạnh.
Tuy nhiên, mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định đưa cổ phiếu HAG và HNG vào diện cảnh báo kể từ ngày 12.5 do lợi nhuận sau thuế 2016 âm.
Cụ thể, với cổ phiếu HAG, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 âm 1.115 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 1.412 tỷ đồng. Còn cổ phiếu của HNG thì lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2016 âm gần 985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 1.141 tỷ đồng.
Bầu Đức còn gì để bán?
Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2016 mới được công bố, khoản lỗ ròng của HAG đã tăng lên mức 1.115 tỷ đồng, tăng thêm gần 100 tỷ đồng so với báo cáo do Tập đoàn này tự lập trước đó. Đồng thời, tổng giá trị nợ phải trả cuối năm 2016 cu3a Tập đoàn này là hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 26.641 tỷ đồng. Trong khi các khoản vay ngắn hạn giảm 1.375 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán (còn dưới 5.000 tỷ đồng) thì nợ dài hạn lại tăng 650 tỷ đồng lên 21.444 tỷ đồng.
Với những khoản nợ vay này, mặc dù thời điểm hiện tại HAG đã tiến hành cơ cấu được các khoản nợ vay và trái phiếu với các bên cho vay bao gồm việc gia hạn thời gian trả nợ gốc đối với dư nợ tín dụng và trái phiếu từ 4-10 năm, gia hạn thời gian trả lãi 1-3 năm, giảm lãi suất và lãi phạt. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cả 2 mã cổ phiếu HAG và HNG của bầu Đức quay đầu trở lại mệnh giá sau thời gian sụt... thê thảm. Thế nhưng, việc tái cơ cấu Tập đoàn mới là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm trong dài hạn.
Câu hỏi đặt ra là bầu Đức còn gì để bán...sau khi đã bán chuyên cơ, mảng mía đường, một phần các dự án thủy điện?
Thực tế, hầu hết các tài sản hiện nay của bầu Đức đều đang được thế chấp tại các ngân hàng. Chẳng hạn, với khoản tiền 474 tỷ đồng và 5,5 triệu USD vay từ Ngân hàng BIDV (chi nhánh Gia Lai) từ năm 2017 đến tháng 10.2020 với lãi suất dao động từ 5,05% đến 10,5%/năm được thế chấp một phần bằng tài sản tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó, công trình Đại học Y Dược; Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai; vườn cao su rộng 1.194ha ở Gia Lai và hơn 147 tỷ đồng tiền gửi tại BIDV cũng được bầu Đức mang làm tài sản thế chấp cho khoản vay dài hạn tại nhà băng này.
Ngoài ra, bầu Đức cũng đã thế chấp gần 43 triệu cổ phiếu của ông và vợ là Hoàng Thị Ngọc Bích để vay gần 900 tỷ đồng tại HD Bank.
Rõ ràng là HAGL vẫn đang bị mất cân đối dòng tiền và khả năng sẽ phải bán tiếp 20.000 ha cao su hoàn toàn có thể xảy ra như dự định trước đó của bầu Đức, nếu trong thời gian tới, các khoản nợ của HAGL không được cơ cấu một cách triệt để...