Từ cuối tháng 7, đàn cá voi liên tục bơi lượn, lao trên mặt biển săn mồi gần bờ Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Sự kiện này đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách, bloger, youtuber, nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhiều nhà khoa học từ khắp nơi trong cả nước đã thuê tàu ra vùng biển Đề Gi thưởng ngoạn, săn ảnh cá voi.
Trước tình hình này, Chi cục Thủy sản Bình Định đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền ngư dân, chủ tàu bè và cộng đồng dân cư, du khách không được xâm hại, giữ khoảng cách an toàn với cá voi.
Ông Vũ Long, Chuyên gia Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (TP.HCM), thông tin loài cá voi này có tên gọi là Bryde, hay còn gọi là cá ông Brai (tên khoa học là Balaenoptera edeni) vì trên đầu có ba gờ nổi. Loài này có thân màu nâu xám với phần bụng hơi hồng, trên đỉnh đầu có hai lỗ phun nước.
Loài này tương đối phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc phụ lục I công ước CITES, nằm trong công ước bảo vệ các loài di cư CMS.
Hai mẹ con cá voi bơi sát tàu thuyền chở du khách ở vùng biển gần bờ Đề Gi. Ảnh: Thanh Trung. |
Theo ông Long, việc du lịch xem cá voi tự phát tại vùng biển gần bờ Đề Gi cũng cần được quan tâm. Nếu thiếu các biện pháp quản lý, du khách tập trung về đây quá đông có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả cá và khách tham quan. Loài cá voi Bryde là động vật hoang dã, vốn hiền lành nhưng vẫn có bản năng tự vệ nhất định nếu bị khiêu khích hoặc tấn công. Đối với cá thể cá voi cái đang nuôi con nhỏ, bản năng tự vệ càng mạnh.
Việc các canô nhỏ hoặc các khách du lịch chèo thuyền phao (chèo SUP) hoặc lặn tự do tiếp cận quá gần mẹ con cá voi có thể kích hoạt bản năng tự vệ của cá mẹ, gây nguy hiểm cho khách tham quan.
Trong khi đó, các tàu và phương tiện chở khách tiếp cận quá gần cá ( gần hơn 20 m) có thể khiến cá voi mẹ và cá voi con rơi vào trạng thái căng thẳng. Các loài cá voi răng lượng như cá voi Bryde sử dụng hạ âm (âm thanh có tần số dưới 20 Hz) để giao tiếp. Tiếng động cơ tàu có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của cá voi, khiến chúng căng thẳng. Nếu kéo dài tình trạng này, cá voi mẹ và cá voi con có thể bỏ đi khu vực khác hoặc mạo hiểm đi vào các sinh cảnh không phù hợp với chúng chỉ để tránh xa các hoạt động của con người.
Đàn hải âu vây quanh khu vực cá voi nổi trên mặt biển săn mồi tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú ở vùng biển Đề Gi. Ảnh: Khuê Dương. |
Trong trường hợp xấu nhất, nếu bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng, kích thích bản năng tự vệ, chúng có thể tấn công du khách. Nhiều tàu chở khách (đặc biệt là các canô cao tốc) thường xuyên di chuyển tại khu vực cá voi kiếm ăn, có thể dẫn đến va chạm giữa tàu và cá voi. Các va chạm này thường để lại thương tật vĩnh viễn cho cá voi, hoặc dẫn đến cái chết.
Do vậy, các chuyên gia đề nghị ngư dân quản lý tàu thuyền; các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh các tour ngắm cá voi phải đảm bảo giữ khoảng cách để không làm hại đến cá, tối thiểu theo quy định là 100 m.
Chuyên gia Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp cho biết cá voi Bryde trưởng thành dài 11-15,5 m và có thể nặng 12-20 tấn. Trong khi đó, cá voi mới sinh chỉ dài 3-5m và nặng khoảng 1-2 tấn. Cá voi này săn mồi, kiếm thức ăn chủ yếu là các loại cá con như cá giò, cá cơm, cá trích, cá liệt và loài nhuyễn thể.
Loài cá voi Bryde có tập tính nuôi con bằng sữa hết 6 tháng nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, nguồn thức ăn dồi dào để tập luyện cho con bơi lượn, săn mồi cho đến khi cai sữa, đủ cứng cáp để bơi lại ra vùng biển khơi.
Vùng biển Đề Gi, huyện Phù Cát (Bình Định), nơi loài cá voi liên tục xuất hiện thời gian gần đây. Ảnh: Google Maps. |
|
|