Kịch tính tinh tinh và cuộc chiến sinh tồn trong rừng rậm Congo
Xung đột xảy ra tại vườn quốc gia Kahuzi-Biega ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi lực lượng kiểm lâm cố gắng ngăn chặn thổ dân bản địa quay lại phá rừng, đốt củi làm than hoa đem bán.
Theo Sơn Trần/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Một nhóm thổ dân đứng tại khu vực rừng vừa mới bị chặt phá tại vườn quốc gia Kahuzi-Biega gần Bukavu, Cộng hòa Dân chủ Congo. Căng thẳng diễn ra từ đầu năm nay, khi một ứng viên trong cuộc bầu cử quốc gia kêu gọi cư dân bản địa quay trở lại rừng để khai thác. Bạo lực đã nổ ra giữa lực lượng kiểm lâm và những người dân, khiến một người thiệt mạng vào cuối tuần trước, theo Guardian.
Lực lượng kiểm lâm trên xe bán tải thuyết phục những người dân rời khỏi khu vực vườn quốc gia. Là một trong số 53 di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO đang bị đe dọa, vườn quốc gia Kahuzi-Biega rộng 600.000 ha và có hệ sinh thái đa dạng và thảm thực vật phong phú.
Những thổ dân bản địa cho biết họ không có lựa chọn nào khác để sinh tồn ngoài việc chặt cây để đốt thành than hoa. Cha ông của họ đã trải qua nhiều thế hệ ở vườn quốc gia trước khi bị di dời ra bên ngoài, nơi họ cảm thấy xa lạ và không có sự gắn kết.
Các thổ dân sẽ đốt cây gỗ họ chặt và sau đó lấy số than này đem bán cho các thương lái ở thành phố Bukavu gần đó. Than hoa sẽ được vận chuyển tới nước láng giềng Rwanda, nơi chúng được bán làm nhiên liệu đun nấu.
Tuy nhiên, việc chặt các cây gỗ lớn cũng làm môi trường sống của tinh tinh lùn Congo, loài đang được xếp vào hạng nguy cấp, bị thu hẹp.
Trong khi đó, đối với lực lượng kiểm lâm, họ chỉ được trả 100USD một tháng và phải thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm trên một khu vực rộng lớn. Năm ngoái, đã có 4 kiểm lâm ở vườn quốc gia Kahuzi-Biega thiệt mạng.
Khi vườn quốc gia Kahuzi-Biega được thành lập vào năm 1970, môi trường sống của loài tinh tinh ở CHDC Congo là hơn 20.000 km2, nhưng cho đến nay diện tích này chỉ còn lại một nửa.
Bonne Annee, một con tinh tinh đực, đang ngồi nghỉ sau trận chiến với một con tinh tinh đực khác.
Ông Juvenal Munganka, kiểm lâm đã làm việc tại vườn quốc gia Kahuzi-Biega trong 17 năm qua, cho biết khi mới làm việc, ông không phải sử dụng súng, nhưng tình trạng săn trộm đã khiến lực lượng kiểm lâm phải trang bị súng AK. Năm 2015 là thời điểm gần đây nhất số lượng tinh tinh và voi trong vườn quốc gia tăng lên.
Ông Munganka cho rằng thổ dân bản địa có quyền quay trở lại vườn quốc gia, nhưng họ không được phép chặt phá rừng và săn bắt các loại động vật hoang dã.
Mời quý vị xem video: Những loài động vật nguy hiểm nhất rừng Amazon