Kiểm tra xác ướp Ai Cập, chuyên gia hoảng hồn thấy cảnh tượng lạ
Được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw, Ba Lan từ năm 1917, một xác ướp Ai Cập cứ ngỡ thuộc về linh mục nhưng thực tế là của một thai phụ.
Tâm Anh (theo Ancient-origins)
Xem toàn bộ ảnh
Vào năm 1826, một xác ướp Ai Cập và quan tài được tặng cho Đại học Warsaw, Ba Lan. Sau đó, chúng được lưu giữ và bảo quản trong Bảo tàng Quốc gia ở thành phố Warsaw kể từ năm 1917.
Theo các chuyên gia, xác ướp có niên đại hơn 2.000 năm tuổi. Trong suốt nhiều năm, họ cứ ngỡ đó là thi hài của một linh mục Ai Cập cổ đại tên là Hor-Djehuty.
Tuy nhiên, bí mật "động trời" về giới tính của xác ướp trên được hé lộ khi các chuyên gia sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính vào năm 2016.
Kết quả cho thấy xác ướp không phải là của linh mục Hor-Djehuty. Thay vào đó, thi hài thuộc về một phụ nữ tử vong khi mang thai. Thai nhi đang ở tuần thai thứ 26 - 30.
Sau khi tử vong, thai phụ trên được ướp xác cùng với bào thai trong bụng. Từ đây, các chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi như: người phụ nữ này là ai? Tại sao bà được ướp xác cùng với thai nhi?...
Trước sự việc này, nhà khảo cổ học Wojciech Ejsmond thuộc Học viện Khoa học Ba Lan cho biết bào thai đã không được lấy ra khỏi bụng mẹ như trong quá trình ướp xác thông thường.
Chính vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, đây là xác ướp duy nhất được ướp xác với thai nhi nguyên vẹn trong bụng mẹ.
Thai phụ này được ướp xác rất cẩn thận với một bộ bùa hộ mệnh. Điều này cho thấy bà xuất thân từ tầng lớp giàu có hoặc có địa vị cao trong xã hội.
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc phân tích các mô mềm được bảo quản của xác ướp có thể mang lại một số manh mối giúp tìm ra nguyên nhân tử vong của thai phụ.
Dù vậy, một số chuyên gia đưa ra giả thuyết người phụ nữ có thể đã gặp một số vấn đề về sức khỏe trong quá trình mang thai. Điều này khiến bà tử vong trong thời gian thai kỳ.
Mời độc giả xem video: Ai Cập mở nắp quan tài chứa xác ướp người phụ nữ còn nguyên vẹn suốt 3000 năm. Nguồn: VTV24.