Ngày 30/11, trao đổi với Zing.vn, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết đơn vị này vừa có kết luận kiểm tra tính hợp pháp của Thông tư 58 - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quy định về lộ trình chuyển đổi Giấy phép lái xe (GPLX) sang vật liệu PET.
Điều 57, Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định “GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau: 1. GPLX ôtô và xe hạng A4: trước ngày 31/12; 2. GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020”.
Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam. |
Quy định này khiến người dân cho rằng hạn chót để đổi sang giấy phép lái xe vật liệu PET là 31/12. Nếu không kịp đổi GPLX sang vật liệu mới thì từ 1/1/2017 người tham gia giao thông sẽ bị phạt nếu sử dụng GPLX giấy. Ngoài bị phạt, người đi đổi GPLX sẽ phải thi lại lý thuyết trong chương trình đào tạo sát hạch và cấp GPLX, sau đó mới được cấp đổi GPLX mới.
Theo Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, sau khi đối chiếu với các quy định hiện hành, Điều 57, Thông tư 58 không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.
Vị Cục trưởng cho rằng khi ban hành quy định sử dụng vật liệu và công nghệ mới đối với GPLX, Nhà nước cần có chính sách phù hợp với vật liệu và công nghệ trước đó. Việc chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu PET phải được khảo sát, đánh giá cẩn trọng.
Ngoài ra, nội dung “Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại” trong Thông tư 58 của Bộ GTVT mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các Nghị định liên quan đang có hiệu lực hiện hành.
Theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ nội dung trái quy định pháp luật trong Thông tư 58. Đồng thời, đơn vị kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng nội dung gây nhiều tranh cãi này.