Chăm sóc trẻ vào mùa lạnh cần đảm bảo trẻ đủ ấm, nhiệt độ cơ thể ổn định nhưng không nên quấn trùm quá kỹ khiến bé khó hoạt động. Ảnh: SirapLimau |
Thời gian tắm
Mẹ tránh tắm cho bé quá sớm hoặc quá muộn trong ngày. Theo kinh nghiệm dân gian, thời gian tắm cho trẻ để tránh cảm lạnh như sau:
- Dưới 3 tháng tắm trước 10h
- Dưới 6 tháng tắm trước 12h
- Dưới 1 tuổi tắm trước 15h
- Dưới 3 tuổi tắm trước 17h
- Dưới 5 tuổi tắm trước 17h30
Tắm muộn hơn bé rất dễ bị sổ mũi, cảm, ho. Nếu bé đi học mẫu giáo, bố mẹ tắm ngay sau khi đón con về rồi mới làm việc khác, hãy thành nguyên tắc nếu muốn con khỏe.
Cha mẹ không nên tắm cho bé kéo dài quá 5 phút kể từ khi bé xuống nước, để đảm bảo nước vẫn đủ ấm. Khi thời tiết quá lạnh, không nhất thiết phải tắm hàng ngày cho bé, chỉ cần tắm 2-3 lần/tuần. Tuy nhiên, cha mẹ phải chú ý vệ sinh và thay quần áo sạch sẽ cho con.
Lá tắm cho bé được sử dụng từ xa xưa, đây là cách tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên an toàn, đem lại hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh như ho, cảm, rôm sảy, mẩn ngứa, viêm da. Mùa đông, mẹ nên nấu nước để ngâm chân và tắm cho bé bằng một số loại lá có tính ấm như trầu không, ngải cứu, chè xanh, tía tô, kinh giới, củ gừng, sả,...
Nồi nước lá Mai Trang thường chuẩn bị cho con tắm. Ảnh: NVCC |
Các loại thảo dược này đều có chứa chất kháng sinh, giúp trừ phong, tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn. Tuy nhiên, mẹ không nên tắm lá cho con khi da bé đang bị tổn thương như trầy xước, sưng tấy. Lúc này, da đã mất đi lớp màng bảo vệ, nguy cơ nhiễm khuẩn từ lá tắm sẽ tăng lên và gây nguy hiểm cho con.
Những ngày thời tiết chuyển mùa, mẹ Trang thường nấu một nồi nước tắm cho bé như sau:
Nguyên liệu: 3 lít nước, 50 g gừng, 100 g sả, 50 g ngải cứu, 50 g tía tô, 50 g kinh giới, một nhúm muối nhỏ
Cách nấu: Rửa sạch ngải cứu, tía tô, kinh giới, ngâm nước muối loãng để loại bỏ tạp chất. Gừng, sả rửa sạch, đập dập. Cho tất cả vào nồi cùng với 3 lít nước sạch. Bạn đun sôi rồi bỏ thêm một nhúm muối nhỏ, vặn nhỏ lửa, để sôi khoảng 10 phút.
Lấy nước nóng khoảng 50-60 độ vào chậu cho bé ngâm chân, massage lòng bàn chân và ấn vào huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân để phòng ngừa, trị các bệnh như viêm phế quản, ho, sổ mũi.
Ngâm chân xong, mẹ nên cho bé đi tắm ngay, thao tác nhanh để tránh làm hạ nhiệt, đặc biệt chú ý những vùng có ngấn (cổ, nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân, vùng kín) phải lau cẩn thận hơn.
Massage vào huyệt dũng tuyền cho bé để phòng cảm lạnh, ho, sổ mũi. Ảnh: Bath Baby Massage |
Mẹ phải đảm bảo rửa sạch lá tắm, ngâm qua nước muối loãng trước khi nấu để loại bỏ vi khuẩn, các loại sâu ngứa và lông tơ trên lá, tránh gây kích ứng làn da non nớt của bé. Bỏ qua bước này, việc tắm lá có thể phản tác dụng, khiến bé bị nhiễm trùng. Không nên lạm dụng các loại lá như tắm liên tục, đun quá đặc, vắt nhiều chanh vào nước tắm. Trong trường hợp thấy da con có dấu hiệu kích ứng, cần ngừng tắm lá và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Nhiệt độ phòng tắm: Nếu nhiệt độ quá thấp, mẹ nên chuẩn bị thiết bị sưởi ấm như máy sưởi, điều hòa... Đóng kín cửa nhà tắm, cửa sổ, tránh để các khe có gió lùa. Mẹ cần bật máy sưởi trước để không khí ấm áp rồi mới cho con tắm. Chú ý để khoảng cách máy sưởi an toàn với chỗ tắm của trẻ.
Nhiệt độ nước tắm: Nhiệt độ nước thích hợp là từ 33-36 độ C. Dù trời lạnh mẹ cũng không nên pha nước tắm cho con quá nóng, sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Mẹ hãy dùng khuỷu tay của mình hoặc nhiệt kế đo nước để kiểm tra nhiệt độ có thích hợp hay không.
Khi tắm cho con, mẹ chú ý giữ ấm một số bộ phận quan trọng như ngực, lưng, bụng và gan bàn chân. Tắm xong mẹ nên lau khô chân và đi tất ngay cho bé.
Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho bé trong mùa đông là tắm từ dưới lên trên. Mẹ rửa chân cho bé đầu tiên sau đó tắm dần lên trên, cuối cùng là gội đầu thật nhanh để con không bị lạnh khi đang ướt.