Đỉa khô tán nhuyễn trong thực phẩm sinh sôi trong cơ thể người?
(Kiến Thức) - Trước dư luận về việc đỉa khô tán nhuyễn trộn trong thực phẩm có thể sinh sôi trong cơ thể người, các chuyên gia đã vào cuộc giải đáp.
Đỉa sấy khô tán bột phát triển thành con?
Liên quan tới tin đồn con đỉa sấy khô tán bột cấy vào các loại thực phẩm bánh kẹo, sinh sôi trong bụng người, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục ATTP khẳng định: "Việc cấy trứng đỉa, bột đỉa sấy khô vào thực phẩm như bánh quy, mỳ tôm, bim bim hay sữa bột... để sau khi con người ăn phải trứng và bào tử đỉa phát triển thành con đỉa trong cơ thể người, phá hủy nội tạng là không có cơ sở khoa học".
|
Đỉa sấy khô tán bột không thể nở thành đỉa con. |
Cũng theo ông Phong, với sản phẩm mì ăn liền, các loại mì đều được sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín với những yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn thực phẩm. Quá trình tạo ra sản phẩm đòi hỏi phải trải qua công đoạn hấp chín ở 100 độ C và chiên trong dầu ở nhiệt độ 150 độ C. Mì sau khi chiên xong được chạy qua hệ thống quạt để làm nguội, sau đó được phân loại và qua hệ thống kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói. Nếu có trứng đỉa hoặc bột đỉa trong đó thì cũng đã chín và không thể nở thành con đỉa được.
Hơn nữa, mì ăn liền, bánh quy, bim bim là sản phẩm đã được chiên khô và đóng gói trong bao bì kín là môi trường đỉa và các vi sinh vật không thể phát triển.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho biết: "Bào tử của đỉa qua quá trình chế biến thực phẩm không thể tồn tại được. Trứng đỉa chỉ có thể nở trong môi trường thích hợp, có độ ẩm như ruộng, đất, chứ không thể nở trong ruột, dạ dày. Con đỉa khi có lạc vào trong người cũng không thể sống được bởi trong ruột, trong dạ dày có độ pH, các men tiêu hủy...
PGS.TS Phạm Bình Quyền cho biết thêm, đỉa là một bộ sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt. Cơ thể của giun đốt nói chung cũng như dỉa nói riêng gồm một chuỗi các đơn vị giống nhau được gọi là các đốt. Giữa các đốt có vách ngăn. Với cấu trúc này khiến cho mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của toàn cơ thể. Đó là lý do chủ yếu cho việc khi cắt, gây tổn thương con đỉa ở một số vị trí nhất định thì cá thể đỉa cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới.
Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn, nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể đỉa ra làm đôi,ì cá thể cũng không có khả năng tái sinh. Mặt khác, ngành giun đốt đã xuất hiện hệ thống tuần hoàn kín, nên đỉa cũng sẽ không có khả năng tái sinh trong điều kiện đã phơi khô hoặc đốt cháy.