Vào năm 2005, tàu vũ trụ của NASA đã phát hiện các hạt băng phun ra từ đại dương ở bề mặt của Enceladus qua các vết nứt. Tuy nhiên, kính James Webb vừa phát hiện các hạt băng này đang phun xa hơn nhiều so với ước tính trước đây, Nature đưa tin ngày 18/5.
"Nó thật bao la", nhà thiên văn Sara Faggi nói. Bà cho biết nghiên cứu khoa học về vấn đề này sẽ sớm được công bố.
Tàu vũ trụ Cassini của NASA ghi lại cảnh các chùm hơi nước phun lên từ bề mặt Mặt Trăng Enceladus của Sao Thổ. Ảnh: NASA/Nature. |
Mặt Trăng Enceladus kích thích các nhà sinh vật học vũ trụ vì đây là một trong số ít những nơi tốt nhất để nhân loại có thể tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Đại dương mặn nằm bên dưới lớp băng bao phủ bên ngoài của Enceladus có thể là nơi trú ẩn cho các sinh vật sống. Các đại dương có thể được duy trì nhờ năng lượng hóa học tại các lỗ thông thủy nhiệt dưới đáy đại dương.
Vật chất phun ra từ Enceladus, chủ yếu thông qua các vết nứt ở cực Nam, là một liên kết trực tiếp đến khả năng tồn tại hệ sinh thái ngoài Trái Đất.
Phát hiện từ kính James Webb có thể cung cấp thêm cơ sở cho các sứ mệnh của NASA đến Mặt Trăng Enceladus nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống. Một đề xuất được đưa ra là phát triển robot rắn tự hành có thể trườn dưới các lớp băng của Enceladus để khám phá đại dương.