Kinh ngạc dàn vũ khí bí mật của Hitler trong CTTG 2
(Kiến Thức) - Dù sở hữu hàng loạt “siêu” vũ khí bí mật vào những năm cuối cùng của CTTG 2 nhưng chừng đó không giúp phát xít Đức lật ngược thế cờ.
Trà Khánh
Xem toàn bộ ảnh
Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, quân đội của trùm phát xít Hitler luôn được trang bị những thứ vũ khí hiện đại nhất thế giới lúc đó. Thậm chí nhiều mẫu vũ khí phải mất khoảng thời gian rất lâu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 Mỹ và Nga mới có thể chế tạo được. Sau đây là 4 trong số những vũ khí bí mật mà Hitler hy vọng sẽ giúp hắn thay đổi được cục diện cục chiến.
Đứng đầu trong danh sách vũ khí tối tân bí mật là mẫu máy bay ném bom hạng nhẹ sử dụng động cơ phản lực Horten Ho 229 của Không quân Đức, nó được thiết kế và phát triển trong những năm gần cuối của Chiến tranh Thế giới thứ 2. Horten Ho 229 do hai anh em nhà Reimar Horten và Walter Horten thiết kế và được chế tạo bởi hãng Gothaer Waggonfabrik.
Horten Ho 229 có thể được xem là mẫu máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới với thiết kế cánh liền thân khác đặc trưng, bên cạnh đó nó còn được trang bị động cơ phản lực. Một chiếc Horten Ho 229 có thể mang theo được một tấn bom và có thể bay ở độ cao lên tới 16.000m ở vận tốc 977km/h, điều mà không phải máy bay nào trong thời điểm đó cũng có thể làm được.
Điểm nổi bật nhất của Horten Ho 229 vẫn là việc nó được trang bị hai động cơ phản lực Junkers Jumo 004B có công suất lên tới 1.956 lbf mỗi chiếc, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Horten Ho 229 là vào tháng 3/1944. Dù khá thành công nhưng Horten Ho 229 lại không giúp gì nhiều cho Không quân Đức trong những năm cuối cùng của CTTG 2 và thay vào đó nó lại là ý tưởng để hãng Northrop Gruman của Mỹ phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit sau này.
Một mẫu vũ khí đi trước thời đại khác của phát xít Đức trang CTTG 2 là bom lượn Fritz X. Nó có thể được xem là “thủy tổ” của các dòng bom dẫn đường thông minh ngày nay. Fritz X có trọng lượng khoảng 1,3 tấn và được trang bị một thiết bị vô tuyến giúp điều khiển quả bom tấn công chính xác các mục tiêu.
Theo Không quân Mỹ lúc đó, bom lượn Fritz X có thể dễ dàng xuyên lớp giáp dày tới 711mm và có khả năng được triển khai từ độ cao hơn 6.000m giúp máy bay ném bom mang theo nó hoàn toàn an toàn trước hệ thống phòng không của đối phương.
Chưa đầy một tháng sau khi được giới thiệu lần đầu tiên, Không quân Đức đã sử dụng Fritz X đánh chìm tàu chiến Roma của Hải quân Italy tại gần đảo Sardinia vào tháng 9/1943. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó Không quân Đức sử dụng bom Fritz X khá hạn chế một phần vì không phải máy bay ném bom nào của Đức cũng mang được loại bom này.
Một phát minh đáng chú ý nữa của Quân Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 là xe điều khiển từ xa Goliath hay nó còn được Quân đội Mỹ gọi với cái tên "Doodlebug". Với thiết kế như một chiếc xe tăng mini được điều khiển bằng một thiết bị vô tuyến.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Goliath được sử dụng như một loại mìn di động. Nó có khả năng mang theo từ 60-100kg thuốc nổ cực mạnh để có thể dọn các bãi mìn hay các công sự phòng thủ khiên cố của đối phương và thậm chí là cả chống tăng.
Suốt giai đoạn từ năm 1942 đến năm 1944 quân Đức đã sản xuất hơn 7.500 chiếc Goliath và gây ra thiệt hại không nhỏ cho quân Đồng minh trên chiến trường. Goliath cũng có thể xem là bước đi tiên phong trong việc phát triển các loại vũ khí điều khiển bằng vô tuyến sau này.
Cái tên cuối cùng trong danh sách là mẫu tiêm kích đánh chặn gắn động cơ phản lực Messerschmitt Me 163 Komet (Sao chổi) của Không quân Đức.
Me 163 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1944 nhưng Không quân Đức thời điểm đó đã sở hữu tới hơn 300 chiếc tiêm kích phản lực Me 262. Me 163 có tốc độ bay tối đa lên tới 959km/h vượt xa mọi loại máy bay tiêm kích của quân Đồng minh khi đó. Để có thể đạt tới tốc độ như trên Me 163 được trang bị một động cơ phản lực Walter HWK 109-509A-2 có công suất lên tới 3.800 lbf.
Tuy nhiên việc sở hữu tốc độ bay như trên vừa là món quà vừa lại lời nguyền đối với Me 163. Khi hi nó đủ nhanh để tránh các đợt tấn công của máy bay chiến đấu đối phương nhưng cũng quá nhanh để phi công điều khiển nó có thể bắn trả mặc dù Me 163 được trang bị tới 2 pháo 30mm MK 108.