Lai lịch tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm Triều Tiên
(Kiến Thức) - Loại tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm mà Triều Tiên mới phóng thử được giới quân sự quốc tế xác định là mẫu KN-11.
Hoàng Lê
Xem toàn bộ ảnh
Hôm 23/4/2016, cả thế giới sửng sốt khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm. Sự kiện này đã đưa Triều Tiên trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược trên tàu ngầm.
Hình ảnh đi vào lịch sử tên lửa phóng từ tàu ngầm trên thế giới – khoảnh khắc đạn tên lửa rời bệ phóng dưới mặt nước và sau đó là lao vụt lên bầu trời nước CHDCND Triều Tiên.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, loại tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm của Triều Tiên có tên là KN-11 hoặc còn có một loạt cái tên khác như Hỏa Tinh 10, Pukkuksong-1 hoặc Bukkeuksong-1 hoặc Nodong-D.
Thông số loại vũ khí này tới nay vẫn là một dấu hỏi lớn, chỉ biết rằng Triều Tiên tuyên bố nó được trang bị động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn. Loại động cơ này giúp cho tên lửa có thể lưu giữa nhiều năm trên tàu ngầm. Trong khi động cơ nhiên liệu lỏng chỉ có thể duy trì trong khoảng thời gian vài tháng, nếu không khai hỏa thì phải rút hết nhiên liệu trước khi nó ăn mòn chính tên lửa.
Triều Tiên không tuyên bố rõ tầm bắn mà loại tên lửa phóng từ tàu ngầm này đạt được. Tuy nhiên phía Hàn Quốc cho rằng quả tên lửa chỉ bay được 30km thì rơi xuống biển.
Dẫu vậy, việc đưa được tên lửa từ tàu ngầm dưới mặt nước lên khỏi mặt nước, sau đó kích hoạt động cơ là một thành công vô cùng to lớn.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, tên lửa đạn đạo KN-11 được thiết kế trên cơ sở mẫu R-27 Zyb trang bị trên các tàu ngầm hạt nhân Liên Xô từ năm 1968-1988. Loại tên lửa này có tổng trọng lượng 14,2 tấn, đường kính thân 1,50m, dài 8,89m, tải trọng 650kg, tầm bắn 2.400-3.000km.
Nếu được phát triển dựa trên R-27 Zyb thì các tính năng của KN-11 có lẽ cũng tương đương, hoặc là kém hơn. Tuy nhiên, KN-11 với đầu đạn hạt nhân, có thể triển khai trên tàu ngầm tấn công di chuyển hàng nghìn km trên biển sẽ tạo ra mối đe dọa lớn tới Mỹ và Hàn Quốc không chỉ ở bán đảo Triều Tiên mà vươn xa tới nước Mỹ.
Loại tàu ngầm mang phóng tên lửa đạn đạo KN-11 được tạm xác định là lớp tàu Sinpo (định danh của NATO khi phát hiện con tàu lạ ở nhà máy Nam Sinpo). Con tàu có lượng giãn nước khoảng 1.000-1.500 tấn, dài 65,5m, rộng 6,6m, trang bị động cơ diesel - điện.
Với kích cỡ nhỏ như vậy thì tàu ngầm Sinpo khó có thể triển khai được các bệ phóng thẳng đứng dọc thân tàu như thiết kế của Mỹ-Nga. Chính vì vậy, theo các chuyên gia họ đã giải quyết vấn đề này bằng phương án lắp bệ phóng thẳng đứng ngay trong thượng tầng của tàu. Tuy chỉ triển khai 1-2 quả tên lửa nhưng thế là cũng đủ để Triều Tiên tạo nên mối đe dọa lớn với Mỹ - Hàn – Nhật Bản.
Người ta ghi nhận ít nhất một chiếc tàu ngầm lớp Sinpo đã được Triều Tiên chế tạo, có lẽ dùng để thử nghiệm tính năng trước khi sản xuất hàng loạt, hoặc tạo tiền đề cải tiến thành lớp tàu mới mẻ sau này.