Lãi suất tiền gửi khó giảm thêm

Đây là chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về đề xuất giảm thêm lãi suất tiền gửi để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp. Không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm.
Theo lãnh đạo NHNN lạm phát hiện tại đang ở mức thấp, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,82%, nhưng theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và lạm phát mục tiêu của Quốc hội đề ra là dưới 4%.
Trong khi đó, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện chỉ vào khoảng 5-5,5%/năm. Như vậy, nếu lạm phát duy trì ở mức 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
Lai suat tien gui kho giam them
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: NHNN. 
Khó giảm thêm lãi suất đầu vào
Tuy nhiên, Phó thống đốc Tú cho biết thực tế trong thời gian qua, khi lãi suất huy động mới giảm 1-1,5 điểm %, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng đã giảm xuống còn 4,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%.
Mức tăng trưởng huy động kể trên cũng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng cùng giai đoạn, đạt 7,42% đến 7/10. Vì vậy, ông Tú cho rằng không thể đặt ra mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra thời điểm này.
Ông Tú nói nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.
“Các ngân hàng chủ yếu là đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Lai suat tien gui kho giam them-Hinh-2

Chia sẻ về lãi suất cho vay, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm hơn 1,5 điểm % so với trước dịch và vẫn đang có xu hướng giảm từ đầu năm 2021 đến nay.
Trong khi đó, nếu áp dụng biên lợi nhuận khoảng 2,5 điểm % trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay hiện chỉ vào khoảng 8%/năm. Thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng duy trì ở mức này, thậm chí thấp hơn với các gói cho vay đặc thù.
Vì vậy, để giảm thêm được lãi suất, ông Tú cho rằng các ngân hàng cần tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Đây cũng là 2 vấn đề được NHNN liên tục chỉ đạo, đốc thúc các ngân hàng thực hiện trong thời gian qua.
Tín dụng nông nghiệp tăng mạnh giữa dịch
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến 7/10 đạt 7,42%, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đây là mức tăng trưởng không quá cao nhưng là con số tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp trong nhiều tháng qua.
Điều này cũng cho thấy trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch thì vẫn có những doanh nghiệp phát triển, cần vốn và các nhu cầu vốn này vẫn được đáp ứng.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cũng đánh giá mức tăng trưởng tín dụng kể trên cho thấy ngành ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn chính đáng, cần thiết của các doanh nghiệp, bất chấp tình hình dịch bệnh thời gian qua.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm chính sách này sẽ tiếp tục được áp dụng từ nay đến cuối năm, khi các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tín dụng và đảm bảo về các điều kiện thẩm định, cho vay, thì các ngân hàng sẽ sẵn sàng cung ứng vốn.
Lai suat tien gui kho giam them-Hinh-3
Trong bối cảnh nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, nhu cầu vốn cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp lại tăng mạnh. Ảnh: Nam Khánh.  
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết một số liệu tốt trong việc phục hồi kinh tế thời gian qua là nhu cầu vốn trong lĩnh vực nông nghiệp tăng mạnh, đạt 8,54%. Theo đó, tín dụng nông nghiệp cũng là một trong 4 lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng cao so với nền kinh tế từ đầu năm.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đầu năm đến nay cũng là 7,05%; tín dụng lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng 7%; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tăng 18,89%; và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24%...
Điều này cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu vẫn ghi nhận nhu cầu tăng trưởng.
Ngược lại với nhóm lĩnh vực ưu tiên kể trên, tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, tín dụng lĩnh vực chứng khoán và bất động sản chỉ tăng nhẹ, riêng lĩnh vực BOT và BT giao thông thì giảm từ đầu năm.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, doanh số cho vay mới của các ngân hàng với lãi suất thấp hơn trước dịch tính từ 23/1/2020 đến nay đã đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số dư nợ cho vay được miễn, giảm, hạ lãi suất cùng thời gian cũng là gần 2,5 triệu tỷ, áp dụng với khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Lũy kế trong giai đoạn này, tổng số tiền lãi các ngân hàng đã giảm để thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

3 nhân sự được giới thiệu Bộ trưởng KH&CN, Bộ trưởng Y tế và Thống đốc NHNN

(Kiến Thức) - Ba nhân sự được giới thiệu chức danh Bộ trưởng KH&CN; Bộ trưởng Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần lượt là ông Huỳnh Thành Đạt (Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Nguyễn Thanh Long (quyền Bộ trưởng Y tế) và bà Nguyễn Thị Hồng (Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

Chiều ngày 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 3 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng KH&CN; Bộ trưởng Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nhân sự được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Bộ KH-CN là ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM.

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm hai Bộ trưởng và Thống đốc NHNN

(Kiến Thức) -  Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn ông Huỳnh Thành Đạt làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long làm Bộ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sáng 12/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức phê chuẩn bổ nhiệm 3 nhân sự mới là thành viên Chính phủ. Ba bộ trưởng, trưởng ngành vừa được phê chuẩn gồm ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế; và bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin mới