Hơn 600 ha rừng sẽ chuyển thành hồ thủy lợi
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư ngày 24/6/2023.
Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 520 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án năm 2019 - 2025.
|
Hình ảnh phối cảnh hồ Ka Pét |
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm rừng đặc dụng 137,95 ha, rừng sản xuất 440,4 ha và rừng phòng hộ 0,51 ha; đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận, đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.
Thực hiện Nghị quyết 101 của Quốc hội, ngày 14/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn số 2554 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị báo cáo Thủ tướng về giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án.
Đến nay, dự án đã hoàn thành điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.
Được gì?
Theo tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Đồng thời, phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hồ chứa nước Ka Pet do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam và Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TPHCM, đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền cho thấy, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) nằm trong vùng nhiều nắng, gió, khô hạn nhất nước. Trong khi đó, các công trình thủy lợi ở khu vực hiện mới đáp ứng tưới khoảng 26% đất trồng cây hằng năm. Nếu chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, khu vực này đang thiếu khoảng 100 triệu/m3/năm.
Do đó, để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô, việc xây dựng hồ Ka Pét để điều tiết nước trong năm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Dự án hồ chứa nước Ka Pét là công trình quy hoạch liên hoàn, có tính chất bổ trợ nguồn nước cho các công trình thủy lợi khác như: hồ Sông Móng, đập dâng Ba Bàu… để phát huy hết diện tích đất canh tác. Hồ Ka Pét cũng là nơi trung chuyển nước từ sông La Ngà về, bổ sung cho phía nam tỉnh Bình Thuận.
Trồng thay thế hơn 1800 ha rừng
Theo tỉnh Bình Thuận, sau khi khai thác rừng, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá. Đơn vị nào trúng thầu thì đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng.
Về trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 3263 ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên).
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410,32 ha, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung.
Tại hội nghị giao ban báo chí tháng 8/2023, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, theo Luật Lâm nghiệp, việc khai thác rừng tự nhiên phải trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích khai thác. Cụ thể ở đây, với diện tích 680 ha rừng tự nhiên, sẽ phải trồng lại hơn 1.844 ha rừng.
“Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát lại tất cả quỹ đất trống trên địa bàn toàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án lập hồ sơ phương án trồng rừng, xác định số tiền trồng rừng thay thế", ông Sơn nói.
"Có tác động tiêu cực, nhưng tích cực vượt trội"
Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng nêu rõ, dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án. Cụ thể, rừng tự nhiên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác) sẽ là giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật), điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã.
Quá trình đánh giá tác động môi trường khẳng định, nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. Song tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.
UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo chiều 7/9, nhằm thông tin đầy đủ về dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa và tiến độ thực hiện dự án.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 49 hồ thủy lợi, chưa kể hồ Ka Pét, chuẩn bị được xây dựng với tổng dung lượng thiết kế 442 triệu m3 như hồ thủy lợi Sông Dinh, Sông Quao, Sông Lũy, Sông Lòng Sông và hồ Cà Giây... Trước đây, Bình Thuận được biết tới là tỉnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trầm trọng. Tuy nhiên, nhờ những hồ thủy lợi trên, khả năng tưới tiêu đất nông nghiệp đã được cải thiện.