Làm thế nào tránh mất tiền oan khi thanh toán qua thẻ tín dụng?

(Kiến Thức) - Ngày càng có nhiều vụ khách hàng mất tiền oan khi thanh toán qua thẻ tín dụng, vậy làm thế nào để dùng thẻ tín dụng an toàn?

Vụ việc một du khách nước ngoài đi ăn ở Nhà hàng Nightfall (TP HCM) lúc quẹt thẻ thanh toán bị trừ 700 triệu đồng trong khi tiền ăn chỉ hơn 2 triệu đồng đang khiến nhiều chủ thẻ tín dụng rúng động.
Hiện người đại diện của du khách nước ngoài trên đã nộp đơn tố cáo cho công an quận 1 TP HCM và phía công an đang điều tra, làm rõ.
Thực hư vụ việc trên như thế nào đang phải đợi kết luận từ phía công an, tuy nhiên thực tế cho thấy từ trước tới nay có không ít vụ khách hàng dùng thẻ tín dụng bị mất tiền oan khi thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ. Vậy làm thế nào để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng, Kiến Thức đưa ra một số lời khuyên dưới đây.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nguyên tắc số một để tiêu xài thẻ tín dụng an toàn là bằng mọi giá không để lộ thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ nên tuyệt đối không cho mượn thẻ hay chụp ảnh lại. Trên thực tế, khác với thẻ ghi nợ nội địa (ATM), khi thanh toán online bằng thẻ tín dụng, không nhiều ngân hàng và trang web tại Việt Nam hỗ trợ phương thức hỏi thêm mật khẩu dùng một lần (one time password - OTP).
Khác với thẻ nội địa ATM, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ tín dụng. Do đó, một trong những mẹo hay được sử dụng là chủ thẻ ghi nhớ mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) rồi dán kín chúng lại (hoặc cạo trực tiếp trên thẻ cho mờ hẳn).
Việc này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng đọc thẻ khi thanh toán trực tiếp. Trong khi đó, nếu kẻ gian sao lưu, chụp lại thông tin thẻ cũng không có được CVV nên không thể chi tiêu online. Thậm chí, bạn có thể xóa cả ngày thẻ hiệu lực và hết hạn ở mặt trước của thẻ để tăng sự an toàn. Tuy nhiên, lưu ý là cách này không áp dụng cho những khách hàng đãng trí, hay quên.
Với các giao dịch thanh toán tại chỗ, hiện nay ở hầu hết siêu thị, nhà hàng, khách sạn..., nhân viên thu ngân không đưa máy cho khách tự quẹt mà trực tiếp cầm thẻ và thực hiện giao dịch. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gian lận lớn, nhân viên đó có thể chụp lại thông tin thẻ bất cứ lúc nào. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia an ninh ngân hàng là luôn để thẻ tín dụng của bạn trong tầm mắt. Ngoài ra, cũng cần theo dõi để kiểm soát việc nhân viên thu ngân có nhập đúng số tiền thực phải trả hay không.
Người dùng phải xác định được các nguyên nhân có thể dẫn đến mất tiền trong thẻ để hạn chế tuyệt đối không mắc phải lỗi đó. Cụ thể, một số nguyên nhân dẫn đến mất tiền trong thẻ như bị lộ thông tin cá nhân và bị kẻ xấu làm thẻ giả để rút tiền; khi quẹt thẻ ở các máy POS bị nhiễm mã độc hay rút tiền tại các trạm ATM bị gắn camera quay lén. Hay khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn, khi đó có thể thẻ đã bị chụp hình 2 mặt và người trộm thông tin sẽ dùng đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới.
Hơn nữa, việc giao dịch thanh toán online qua các trang web mang tính rủi ro khá cao trong thời buổi có nhiều vi rút cũng như tràn ngập các trang web giả mạo. Một số trang web không uy tín, thậm chí họ mở ra chỉ để "mồi" lấy cắp dữ liệu, thông tin cá nhân. Do đó, khi tham gia các chương trình trực tuyến, bạn nên cân nhắc và hạn chế khi cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm cho đối tác không quen biết. Ngoài ra, nên mua hàng và thanh toán ở những nơi có uy tín, được sự tư vấn tốt của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, để tránh việc bị lấy cắp thông tin thẻ khi giao dịch online, khách hàng có thể dùng hai thẻ thanh toán nội địa (thẻ ATM) và thẻ trả trước quốc tế (Visa/MasterCard Prepaid). Khi cần mua bán trực tuyến, bạn sẽ chuyển từ tài khoản thẻ ATM vào thẻ trả trước đúng số tiền cần dùng hoặc nhiều hơn một chút. Với cách này, toàn bộ rủi ro của thẻ trả trước là số tiền mà bạn còn trong đó nên không lo ngại bị kẻ gian lợi dụng.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ debit (là thẻ tín dụng chỉ sử dụng khi bạn có đủ tiền) cần lưu ý không làm thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản NH của mình. Vì nếu có kết nối thì khi tài khoản có tiền đồng nghĩa là thẻ có tiền. Một vấn đề khác là chủ thẻ cũng lưu ý khi làm thẻ debit, một số NH cấp thẻ dập sẵn nên rủi ro cao hơn.
Một nguyên tắc bảo mật cơ bản mà trên thế giới áp dụng nhưng ở Việt Nam, hầu như mọi người không để tâm là ký vào mặt sau của thẻ. Việc này để tránh khi thẻ rơi vào tay người xấu, nơi chấp nhận thẻ sẽ đối chiếu chữ ký của họ với chữ ký in trên mặt sau thẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc là quy trình chứng thực chữ ký chủ thẻ cũng không được các điểm thanh toán thực hiện đúng. Hầu hết sau khi quẹt thẻ, nhân viên thu ngân chỉ yêu cầu khách hàng ký vào hóa đơn nhưng lại không đối chiếu.
Cuối cùng, ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ thẻ tín dụng bị sao chụp hoặc thông tin thẻ bị lộ, khách hàng phải thông báo ngay cho ngân hàng để yêu cầu khóa tài khoản và phát hành lại thẻ.
Phân biệt các loại thẻ ngân hàng:
- Thẻ thanh toán (thẻ ghi nợ ATM): là thẻ kết nối vào tài khoản ngân hàng, cho phép khách hàng giao dịch tại máy ATM, POS và mua hàng trực tuyến sử dụng nguồn tiền trong tài khoản của khách hàng.
- Thẻ tín dụng: là thẻ được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng, khách hàng tiêu dùng trước và trả nợ sau.
- Thẻ trả trước là thẻ dùng để nạp tiền vào trước, sau đó sử dụng số tiền này để thanh toán, giao dịch và không thể chi tiêu quá số tiền có.

Soi đẳng cấp thẻ tín dụng chỉ dành cho đại gia

(Kiến Thức) - Những loại thẻ tín dụng này thường mang đến rất nhiều đặc quyền, từ sử dụng khách sạn chất lượng cao đến chuyên cơ riêng. Tuy nhiên có lẽ chỉ đại gia mới sở hữu được.

Tự dưng mất 30 triệu trong tài khoản: VIB mặc xác, còn đòi 100 triệu

Bị kẻ gian lấy cắp qua thẻ giả ban đầu là hơn 30 triệu đồng trong tài khoản, song VIB khẳng định không có trách nhiệm trong việc này.

Theo phản ánh của ông Phan Diệu Chương (phường Dịch Vọng, thành phố Hà Nội), dưới đây là một ví dụ tiêu biểu về sự quay lưng của ngân hàng theo một kịch bản chung: Ngân hàng phủi tay và đẩy rủi ro về phía khách hàng. Vụ việc kéo dài từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có hồi kết khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Trong khi số tiền bị kẻ gian ăn trộm ban đầu là hơn 30 triệu đồng trong tài khoản, nhưng đến nay, ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản nộp lại gần 100 triệu đồng tính cả gốc và lãi.

Tin mới