Lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam dùng bằng giả?
(Kiến Thức) - Trưởng Đại học Dược Hà Nội vừa ra văn bản xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành Dược năm 2008 cho ông Nguyễn Trọng Khanh (22/1/1983, trú tại Hà Nội). Hiện, ông Khanh là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).
Nghi vấn Phó Chủ tịch VATAP dùng bằng giả
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh tới báo chí việc có người xưng danh là Nguyễn Trọng Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), điện thoại mời doanh nghiệp tham dự Hội nghị: “Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập” do VATAP tổ chức ngày 28/9/2018, tại tỉnh Bến Tre.
Nghi ngờ đây không phải người của VATAP, nhiều doanh nghiệp "tố cáo" đến đại diện VATAP tại TP.HCM.
|
Bằng tốt nghiệp của ông Nguyễn Trọng Khanh nghi ngờ là bằng giả? |
Theo xác minh cơ quan chức năng, ông Nguyễn Trọng Khanh (SN 1983) có mở Văn phòng Chi nhánh Công ty Dược mỹ phẩm Việt Nhật tại tầng 1 tòa nhà 88 Bạch Đằng, phường 2 quận Tân Bình, TP.HCM. Ngoài ra, ông Khanh không có hộ khẩu thường trú tại đây.
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Trọng Khanh (SN 1983), trú tại Hà Nội. Ông Khanh có bằng Dược sỹ cao cấp hạng Khá, số văn bằng A856341 cấp năm 2008.
Điều đáng nói, ngày 29/11/2018, Trường Đại học dược Hà Nội đã ra văn bản 698/DHN – ĐT, trả lời về việc xác minh bằng đại học. Tại văn bản này, Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định “không cấp bằng tốt nghiệp Đại học ngành Dược cho ông Nguyễn Trọng Khanh, sinh ngày 22/1/1983”.
|
Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định không cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành Dược cho ông Nguyễn Trọng Khanh (SN 22/01/1983). |
Trước đó, ngày 7/8/2018, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP ký quyết định số 52/QĐ-VATAP bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Khanh, trình độ Đại học, làm Phó chủ tịch VATAP nhiệm kỳ IV (2016 - 2021).
|
Tháng 8/2018, ông Nguyễn Trọng Khanh được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch VATAP nhiệm kỳ IV (2016 - 2021). |
Theo quyết định số 52, ông Khanh có nhiệm vụ giúp việc cho Chủ tịch Hiệp hội phát triển hội viên, tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn… và phối hợp với các lực lượng thực thi để giải quyết các kiến nghị của hội viên khi thương hiệu bị xâm phạm; Tạo nguồn kinh phí cho Hiệp hội hoạt động.
VATAP từng vinh danh thuốc "chữa" ung thư giả Vinaca
Năm 2017, sau khi sản phẩm thuốc ung thư Vinaca được sản xuất bằng than tre bị cơ quan chức năng phát hiện lừa đảo và bắt giam giám đốc. Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) bị phát giác từng vinh danh thuốc chữa ung thư giả Vinaca gây xôn xao dư luận.
ông Lê Trọng Anh - quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), Thường trực ban tổ chức chương trình Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 (chương trình vinh danh Vinaca) cho biết: "Chương trình công nhận thương hiệu tổ chức hằng năm, từ tháng 1-9.2017, VATAP xét duyệt hồ sơ. Tháng 10.2017, VATAP vinh danh thương hiệu và chỉ có giá trị trong năm 2017. Sau khi vinh danh, nếu đơn vị có sai phạm trong hoạt động thương hiệu, pháp luật, chúng tôi sẽ thu hồi vinh danh này."
Sự việc VATAP vinh danh công ty Vinaca sản xuất thuốc chữa ung thư lừa đảo đã khiến dư luận bức xúc, mất lòng tin vào một đơn vị lẽ ra phải đi đầu trong công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Sự việc này còn chưa lắng xuống thì VATAP lại dính nghi án lãnh đạo, cụ thể là ông Nguyễn Trọng Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) dùng bằng giả càng khiến niềm tin người dân đi xuống.
Anh Hoàng Đức Hòa (Nam Trung Yên, Hà Nội) bày tỏ: "Chức năng, nhiệm vụ của những hội như hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu phải bảo vệ người tiêu dùng, lên án mạnh mẽ những đơn vị lừa đảo, sản xuất hàng giả. Thế nhưng, những lùm xùm của VATAP khiến người dân mất lòng tin vào các hội như VATAP. Hơn nữa, người đứng đầu VATAP lại dùng bằng giả thì không thể chấp nhận được."
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.