Về phía Kiev, chính quyền do phe đối lập nắm giữ đã từ chối công nhận hiệp ước sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Nga.
“Tất nhiên, chúng tôi không công nhận và sẽ không bao giờ công nhận cái gọi là tuyên bố độc lập Crimea và thỏa thuận thống nhất. Ukraine sẽ dùng tất cả luật pháp quốc tế để đưa mọi chuyện trở về nguyên trạng”, Cục trưởng Cục chính sách thông tin Bộ Ngoại giao Ukraine Yevhen Perebiynis nói.
Trong khi đó, Quyền Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk coi động thái trên của Moscow là “cướp đất trên phạm vi quốc tế. Một quốc gia tới và đột nhiên cướp một phần lãnh thổ của một quốc gia độc lập. Khó có thể tìm ra giải pháp nhanh chóng giải quyết vấn đề trên. Nga hiện đang bị cộng đồng quốc tế cô lập”.
Tổng thống Putin. |
Tại Washington, Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo Moscow. “Các hành động khiêu khích sẽ làm cho Nga càng bị cô lập và giảm vị thế của họ trên thế giới mà thôi. Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau chống lại bất cứ hành vi vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Việc tiếp tục can thiệp quân sự ở Ukraine sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự cô lập ngoại giao của Nga và xa hơn là về kinh tế”.
Còn Thủ tướng Anh David Cameron quan ngại, hành động này của Nga đem đến “thông điệp ớn lạnh trải khắp lục địa châu Âu”.
“Đó hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Nga sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống Putin không hề lo lắng rằng, việc làm này sẽ đẩy Nga đối diện với nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Tôi sẽ vận động các lãnh đạo đồng ý áp dụng lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu khi chúng tôi gặp nhau vào thứ 5 này (tức 20/3)”, ông Cameron nói.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel coi “cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea” và “quyết định sáp nhập khu vực này vào Nga của Kremlin” đi ngược lại luật pháp quốc tế.