Lắp khẩu hiệu 11 chữ: Sở KH&ĐT Hòa Bình từng cảnh báo sạt lở
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho hay từng cảnh báo dự án khẩu hiệu 11 chữ được xây dựng chồng lấn lên dự án kè chống sạt lở cấp bách.
Ngày 28/9, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình để làm rõ phản ánh của cơ quan báo chí về dự án "Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng".
Công trình khẩu hiệu trên được xây lắp 11 chữ, chiều cao mỗi chữ cao 10m, rộng 1,4m, độ dày chữ 0,6m. Dự án thi công ở đồi Ông Tượng, với số vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng.
Dự án thu hút sự quan tâm dư luận bởi chi phí "đắt đỏ". Không những vậy, nó được xây dựng chồng trên dự án kè chống sạt cấp bách nơi đây.
Trả lời VTC News, ông Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho biết trước khi thi công, ông từng cảnh báo dự án được xây dựng chồng lấn lên dự án kè chống sạt lở cấp bách.
"Chúng tôi từng có ý kiến phải hoàn thiện xong dự án kè chống sạt lở cấp bách rồi mới xây lắp khẩu hiệu", ông Liêm nói.
Đến nay, dự án kè sạt lở thi công hoàn thành khoảng 80% nhưng chưa xong bởi các nguyên nhân liên quan biện pháp thi công, thăm dò.
Ông Liêm nhấn mạnh: "Ý nghĩa của 11 chữ rất có ý nghĩa, gắn liền tinh thần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là rất tốt. Tuy nhiên dự án triển khai phải lựa chọn thích hợp, nghiệm thu, bàn giao giải quyết dứt điểm dự án chống sạt lở", ông Liêm nhấn mạnh.
|
Dự án đang bị tạm dừng để các cơ quan chức năng kiểm tra. |
Dự án trên được các cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định về giá và phê duyệt, đồng thời làm các thủ tục liên quan khác.
"Về giá thì chủ đầu tư trực tiếp làm theo quy định nên không thể vượt được. Khổ độ chữ trên đồi cũng được cơ quan chuyên môn tính toán phù hợp. Phải đảm bảo đọc được vì đồi rất cao", ông Liêm nói.
Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng: "Với một tỉnh vẫn còn phải nhờ vào ngân sách Nhà nước như Hoà Bình mà lại lắp khẩu hiệu với số tiền lớn như vậy là điều quá phô trương, hình thức. Trong khi đó, vẫn còn những nhu cầu thiết yếu cần ưu tiên như y tế, giáo dục, chính sách cho hộ nghèo, an sinh xã hội".
Theo ông Tiến, thực tế không phải chỉ có một tỉnh như Hoà Bình mà còn có rất nhiều tỉnh cũng có những việc làm lãng phí tương tự như xây dựng tượng đài, cổng chào rất hoành tráng.
“Xây dựng như thế để làm gì khi vẫn cần rất nhiều những ưu tiên thiết yếu hơn?”, ông Tiến đặt vấn đề.
Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XII đánh giá, hiện nay, phong trào xây tượng đài, cổng chào, khẩu hiệu... nảy nở, lan ra ở rất nhiều tỉnh, huyện.
Thậm chí có những huyện rất nghèo, còn phải nhờ chi viện ngân sách của Nhà nước nhưng vẫn xây dựng tượng đài hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng để đến nỗi đang xây dở dang thì không còn ngân sách nữa.
"Chúng ta không phê phán việc xây dựng tượng đài, nhưng đó là xây trong điều kiện ngân sách địa phương dư giả, còn nếu đang túng thiếu, phải trông chờ sự chi viện của Nhà nước và địa phương thì còn biết bao nhiêu những việc cần thiết hơn.
Đây có thể xem là 'hội chứng con gà tức nhau tiếng gáy', nhiều nơi thấy địa phương nào làm thì mình cũng phải làm. Đó là điều rất không tốt và cần phải có cảnh báo, nhắc nhở từ cơ quan cấp trên", ông Tiến nói.