Tưởng rẻ mà không hề rẻ
Ông Tuấn Hà - Chủ tịch Vinalink Media, chuyên gia thương mại điện tử - cho biết, thời gian qua, Temu đã đánh chiếm thị trường thương mại điện tử tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, làm xáo trộn thị trường khiến một số quốc gia đang đề xuất xây dựng hàng rào thuế quan thương mại.
Tại Việt Nam, temu xuất hiện khoảng 2-3 tháng gần đây và đổ rất nhiều tiền để làm truyền thông, quảng cáo.
Qua nghiên cứu hoạt động của Temu tại nhiều quốc gia, ông Tuấn Hà đánh giá điểm chung mà sàn thương mại điện tử này thực hiện là bất chấp quy định của nước sở tại. Quan điểm của sàn này là đổ bộ và chiếm lĩnh thị trường tại nhiều quốc gia càng tốt. Họ không quan tâm đến việc xin cấp phép trước vì việc này mất nhiều thời gian, thủ tục. Chỉ sau khi bị một số quốc gia phản ứng, họ mới đi tìm và nghiên cứu thủ tục.
Theo ông Tuấn Hà, trong khi các sàn thương mại điện tử của Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian, từ xây dựng sản phẩm đầu vào, đầu ra, liên hệ cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép; xây dựng hệ thống liên kết thanh toán, vận chuyển... Temu bỏ qua những bước này, và tập trung quảng cáo và bán hàng giá rẻ. Điều này tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với các sàn thương mại điện tử khác, và vô tình bóp chết các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam.
Temu quảng cáo sản phẩm giảm giá tới 90% để đánh vào tâm lý người tiêu dùng hàng giá rẻ. |
Lý giải về việc sàn Temu bán hàng giá rẻ đột biến so với các sàn thương mại điện tử khác, ông Hà cho biết qua tìm hiểu ông phát hiện ra mô hình của Temu có rất nhiều điểm đặc biệt.
Thông thường các sàn thương mại điện tử khác cho các nhà bán lẻ, các "saler" (người bán hàng) bán sản phẩm trên sàn nên phải trải qua nhiều khâu trung gian, sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng. Điều này làm cho chi phí của sản phẩm tăng lên.
Ngược lại mô hình của Temu là kết nối trực tiếp từ những nhà sản xuất lớn đến khách hàng, mà không cho các nhà phân phối bán lẻ lên sàn. Đồng thời, Temu tập trung nghiên cứu và kết nối những sản phẩm mà từng thị trường có nhu cầu cao, không bán tràn lan.
"Đặc điểm này giúp sản phẩm trên sàn Temu dễ dàng bán chạy và dễ xoay vòng, đồng thời có cơ hội cắt giảm chi phí khi loại bỏ được trung gian, có điều kiện khuyến mại lớn. Do đó, nhiều sản phẩm trên sàn Temu đang giảm giá tới 70-90 %", ông Tuấn Hà nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, ngoài vấn đề về thuế mà dư luận đang quan tâm, hành vi khuyến mại của Temu đang vi phạm quy định của Việt Nam. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp muốn giảm giá, khuyến mại phải đăng ký với Bộ Công thương và không được phép vượt quá 50%.
"Hành vi này của Temu về bản chất được xem là bán phá giá với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường. Trên thực tế Temu đưa ra nhiều sản phẩm với giá 0 đồng để đánh vào tâm lý người tiêu dùng, coi đây là sàn có sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, thực chất không phải vậy, mặt hàng này có giá 0 đồng, nhưng ở một số sản phẩm khác, họ lại bán giá rất cao để bù đắp lại", ông Tuấn Hà phân tích.
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong trường hợp cần thiết có thể có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép. |
Phản ứng của cơ quan có trách nhiệm
Trước tình trạng sàn thương mại điện tử Temu "đang làm mưa làm gió", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng Temu, Shine, 1688… nói riêng; đặc biệt yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký. Thời gian thực hiện trong tháng 10.
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tham mưu để báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
"Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp", Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị.
Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Cục Thuế - cho hay, sau khi có chỉ đạo, ngành thuế đang yêu cầu cơ quan chuyên vào cuộc làm việc với sàn Temu, với quan điểm sẽ yêu cầu nộp thuế theo quy định như các sàn thương mại điện tử khác.