Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ xưa diễn ra thế nào?
Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ đánh dấu khởi đầu cho 4 năm chèo lái đất nước của ông chủ mới Nhà Trắng. Qua gần 250 năm lịch sử, buổi lễ thiêng liêng này chứng kiến nhiều thay đổi.
Theo Hiền Thy
Xem toàn bộ ảnh
Lễ nhậm chức tổng thống là ngày đặc biệt tại nước Mỹ, mở đầu cho nhiệm kỳ 4 năm của người lãnh đạo mới. Trong gần 250 năm lịch sử, nhiều truyền thống xung quanh ngày lễ này được giữ nguyên từ ngày đầu. Các nghi lễ mới dần được bổ sung theo thời gian, biến lễ nhậm chức tổng thống thành dịp đông đảo người dân xứ cờ hoa mong chờ.
Lễ nhậm chức đầu tiên được tổ chức vào ngày 30/4/1789, khi cố Tổng thống George Washington tuyên thệ tại thành phố New York. “Tôi xin trang trọng thề sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của tổng thống Mỹ một cách trung thực và hứa sẽ làm tất cả trong khả năng để thực thi, bảo vệ hiến pháp nước Mỹ” - câu tuyên thệ của George Washington vẫn được những người đứng đầu nước Mỹ lặp lại trong ngày nhậm chức tới tận ngày nay. Kể từ lễ nhậm chức thứ hai, chủ tịch tòa án tối cao Mỹ là người đứng ra đón nhận lời thề của tân tổng thống.
Trong quá khứ, tất cả buổi lễ tiếp theo được tổ chức vào ngày 4/3. Đến năm 1937, lễ nhậm chức dời sang ngày 20/1, sau khi bản Hiến pháp sửa đổi thứ 20 được phê chuẩn vào năm 1933. Lịch tổ chức này vẫn được ấn định như vậy cho đến hiện tại. Theo truyền thống, buổi lễ vẫn diễn ra với các nghi thức cần thiết ngay cả khi tổng thống tái đắc cử.
Năm 1801, Thomas Jefferson là tổng thống đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tại Washington D.C - thủ đô mới của nước Mỹ. Từ năm 1981, lễ nhậm chức được tổ chức ngoài trời, sát tòa nhà phía Tây của Điện Capitol. Ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ, một vài địa điểm khác được chọn làm nơi diễn ra buổi lễ trong lịch sử là tòa nhà Độc lập ở bang Philadelphia, tòa nhà Old Brick Capitol ở Washington D.C.
Buổi đầu, buổi lễ nhậm chức tổng thống diễn ra với vài nghi lễ đơn giản như công bố ngày tháng, ông chủ Nhà Trắng đưa ra lời tuyên thệ. Về sau, sau khi đọc xong lời tuyên thệ, tổng thống sẽ đưa ra một bài phát biểu. Bài diễn văn này thường mang nội dung nhấn mạnh sự đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nước Mỹ.
Truyền thống tổng thống và phu nhân cùng nắm tay nhau đi diễu hành trước công chúng bắt nguồn từ lễ nhậm chức của cố Tổng thống Thomas Jefferson. Năm 1805, ông Jefferson tái đắc cử. Vào ngày bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông cưỡi ngựa từ Điện Capitol sang Nhà Trắng trong tiếng nhạc và sự tập hợp tự phát của một nhóm thợ máy từ nhà xưởng gần đó.
Theo History, lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 15 James Buchanan vào năm 1857 là buổi lễ đầu tiên được chụp ảnh. Buổi lễ đầu tiên được phát thanh trực tiếp trên radio là vào năm 1925, còn buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên diễn ra vào năm 1949. Sự ra đời của máy quay giúp nhiều người dân Mỹ được chứng kiến khoảnh khắc chuyển giao quyền lực.
Vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton và vợ chồng cựu Tổng thống George W. Bush trong ngày chuyển giao quyền lực vào năm 2001.
Theo truyền thống của ngày nhậm chức, tổng thống mới sẽ vô cùng bận rộn với các cuộc họp mặt, lễ diễu hành, tiễn tổng thống cũ và các buổi tiệc náo nhiệt để chào mừng người chủ mới của Nhà Trắng.
Nữ ca sĩ nổi tiếng Beyonce hát quốc ca Mỹ vào lễ nhậm chức thứ hai của cựu tổng thống Barack Obama.
Cho tới giờ, lễ nhậm chức của ông Donald Trump vẫn được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng số chi phí tới 90 triệu USD, theo Guiness World Records. Tất cả đều từ quỹ của các công ty tư nhân. Con số này vượt qua 55 triệu USD trong lễ nhậm chức đầu của cựu Tổng thống Obama vào năm 2009 và 43 triệu USD vào năm 2013.
Hình ảnh của 4 năm về trước, ghi lại cảnh vợ chồng tổng thống Donald Trump và vợ chồng phó Tổng thống Mike Pence vẫy tay chào tạm biệt trực thăng của cựu Tổng thống Barack Obama khi nó khởi hành từ Điện Capitol sau lễ nhậm chức của ông Trump.